Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá ổn định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông thường nhiều năm, sau Tết, giá cả các mặt hàng thực phẩm thường leo thang. Nhưng năm nay, giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ, thậm chí nhiều mặt hàng còn hạ nhiệt so với dịp cuối năm.

Giá rau xanh giảm

Đến thời điểm này, sức mua của người tiêu dùng đã trở lại bình thường. Sau Tết, lượng hàng từ các nơi đổ về Hà Nội dồi dào, giá cũng bắt đầu giảm. Giá nhóm hàng thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm vẫn duy trì ở mức cao trong các ngày từ mùng 3 đến 5 Tết Nguyên đán và giảm dần khoảng 10% vào ngày mùng 8 Tết).

Hiện thịt bò thăn giữ giá 240.000 - 250.000/ kg, thịt gà giá 125.000 - 130.000/kg. Cá trắm đen loại to giá 180.000 đồng/kg. Cá trắm trắng giá 145.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg. Riêng một số loại thực phẩm hải sản khác như tôm cua, mực, ghẹ, ngao... vẫn giữ ở mức cao, tăng 15 - 20% so với ngày thường.

Thực phẩm sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá ổn định - Ảnh 1

Hàng thực phẩm sau Tết không tăng do nguồn cung dồi dào. Trong ảnh: Mua bán thực phẩm tại chợ Hôm. Ảnh: Duy Anh

 So với trước Tết, rau xanh không tăng giá nhiều, thậm chí đến nay giá rẻ hơn trước Tết. Một mớ rau cải cúc có giá 3.000 - 3.500 đồng, giảm 500 - 1.000 đồng. Rau cần giá 6.000 - 7.000 đồng/mớ, giảm 1.000 - 1.500 đồng, rau cải xanh, cải chíp 3.000 đồng/mớ, rau muống 8.000 đồng/mớ… Chị Hạnh Lê, bán rau tại chợ Hôm cho biết: "Thời tiết năm nay ấm áp, rau nhiều nên giá không đắt".

Đa dạng thực phẩm chay

Theo các bà nội trợ, dù giá hầu hết các mặt hàng đã hạ nhiệt sau Tết do lượng hàng khá phong phú, song không khí mua bán trên thị trường kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2012 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân. Các tiểu thương hy vọng đến rằm tháng Giêng nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm sẽ tăng lên.

Theo nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm chay, từ sau Tết cho đến hết tháng Giêng hàng năm là thời điểm các mặt hàng này được tiêu thụ mạnh. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị… đã triển khai cung ứng các loại thực phẩm chay với các dòng sản phẩm đa dạng về nguyên liệu, phong phú về chủng loại và có nhiều trọng lượng khác nhau, phù hợp với mọi đối tượng. Trong đó, các dòng thực phẩm chay đang có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường như chả giò, chả giò rế, chà bông chay có giá dao động ở mức 22.000 - 27.000 đồng/500gr; các sản phẩm lẩu chay có nhiều hương vị hấp dẫn (Sài Gòn Food); bánh xếp, há cảo, hoành thánh chay (Agrex Sài Gòn)… nhóm hàng đông lạnh, thực phẩm đóng gói có thịt dê chay kho gừng, gà chay nấu tiêu, khô nai chay, khô cá thiều chay…

Không chỉ đa dạng về chủng loại, nguồn hàng, các siêu thị còn tung ra các chương trình lì xì, khuyến mại dành nhiều ưu đãi cho khách hàng dịp đầu xuân và cũng là một hình thức để kích cầu thị trường.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, giá cả tương đối ổn định do nguồn hàng dồi dào thông qua các chương trình bình ổn giá được triển khai ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau Tết. Tính đến thời điểm này, có 45 tỉnh, TP hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp (DN) chủ lực trên địa bàn bình ổn giá với tổng kinh phí 1.332 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Tại Hà Nội, UBND TP đã tạm ứng cho các DN 376 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2012 đến tháng 4/2013 nhằm phục vụ công tác bình ổn giá, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.