Chơi xấu, xin lỗi là xong?
Cách đây không lâu, VFF đã quyết định treo giò hết năm đối với hậu vệ Đình Đồng do có hành vi phi thể thao với cầu thủ Nguyễn Anh Hùng của An Giang. Bản án nghiêm khắc này đã nhận được sự đồng tình của dư luận và được cho là liều thuốc đắng nhằm dã tật xấu của bóng đá Việt. Thế nhưng, án kỷ luật của VFF đã bị CLB SLNA cũng như cầu thủ Đình Đồng phản đối gay gắt. Người trong cuộc nói rằng, VFF đã xử lý quá nặng tay khi pha phạm lỗi của Đình Đồng là không cố ý dù nó khiến đối phương đứng trước nguy cơ phải giải nghệ.
Phản đối nhưng không thành công, cuối cùng, Đình Đồng đã chọn giải pháp khác nhằm giảm án phạt. Đó là kháng án lên ban Giải quyết khiếu nại. Cùng với đó, cầu thủ này đã gửi lời xin lỗi rất chân thành đến người bị hại là cầu thủ Anh Hùng. Chưa hết, cầu thủ này còn ra tối hậu thư, nếu không nhận được sự cảm thông bằng việc giảm án, anh sẽ tính đến chuyện giải nghệ. Nhưng, trớ trêu ở chỗ, tất cả những động thái đó không thể giúp Đình Đồng giảm được án phạt.
Thanh Hải phải nghỉ thi đấu sau pha va chạm với Văn Bình. Ảnh: AN AN
|
Sau sự cố liên quan đến Đình Đồng, người ta lại chứng kiến một pha bóng rất xấu khác của Hoàng Văn Bình - cầu thủ gốc Nghệ An hiện đang khoác áo Bình Dương. Nạn nhân là tiền vệ Thanh Hải đã phải nghỉ thi đấu hết mùa giải sau pha vào bóng ác ý của Văn Bình. Và, thật nhanh nhảu, khi VFF còn chưa nhận được báo cáo về trận đấu thì thông qua rất nhiều kênh, Hoàng Văn Bình cũng như lãnh đạo Bình Dương đã gửi lời xin lỗi đến người bị hại. Điều này nhằm giảm thiểu những chỉ trích từ dư luận và mong nhận được một án phạt nhẹ nhàng từ VFF.
“Ném chuột đừng sợ vỡ bình”
Việc VFF tuyên chiến với bạo lực sân cỏ đang nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc, VFF sẽ đối diện với những phản ứng từ chính các đội bóng vốn bị mất cầu thủ vì án phạt. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, nếu xử lý quá nặng, ĐTQG sẽ bị ảnh hưởng vì mất đi nhiều hảo thủ. Vậy nên, đâu đó người ta đã đề nghị lãnh đạo VFF phải cân nhắc thiệt hơn trước khi đi đến quyết định kỷ luật ai đó.
Thế nhưng, ở một góc độ khác, dư luận cho rằng, bất cứ sự nương nhẹ nào cũng được coi là sự thỏa hiệp với bạo lực sân cỏ. Và nếu không có những biện pháp nhằm phòng ngừa và xử lý tận gốc vấn nạn này thì hình ảnh của bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng trở nên méo mó. Cách đây không lâu, chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã từng bày tỏ quan ngại, nếu không chống nạn bạo lực sân cỏ một cách quyết liệt thì chẳng ai còn yêu và đầu tư cho bóng đá nữa. Khi ấy, thiệt hại với bóng đá nước nhà là không thể đong đếm. Vậy nên, những sự cố diễn ra trong thời gian gần đây đang thực sự thử thách quyết tâm của ông Dũng cùng đội ngũ lãnh đạo mới của VFF.