Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thuốc&Sức khỏe] Chọn món ngon ngày Tết cho trẻ

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp trẻ được vui Tết trọn vẹn, phụ huynh nên biết cách chọn lựa những món ngon vừa mang tính bổ dưỡng vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đầu tiên là phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ ngày lễ, Tết:

Trẻ còn bú mẹ dưới 6 tháng tuổi: Phụ huynh nên đảm bảo cho bé bú mẹ đầy đủ, ít nhất 8 lần một ngày. Người mẹ nên ăn uống hợp lý đặc biệt là nên hạn chế các loại gia vị cay nóng như hành, tiêu, ớt, tỏi… để luôn có nguồn sữa tốt nhất cho việc nuôi trẻ.
Trẻ đang ăn dặm hoặc trẻ lớn: Thức ăn cho trẻ ngày Tết cũng phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết (4 nhóm thức ăn cơ bản gồm bột - đạm - béo - vitamin và khoáng chất), thức ăn chế biến ngày Tết cho trẻ vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nên sử dụng “sốt dẻo”, hạn chế những thức ăn cũ hoặc phải hâm đi hâm lại nhiều lần.
Gia đình có trẻ bị dư cân béo phì: Nên kiểm soát việc trẻ ăn những thức ăn ngày tết quá nhiều chất ngọt, chất béo như bánh ngọt, kẹo, mức tết, bánh chưng, bánh tét hoặc các loại thức ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, bánh pizza, kẹo chocolate, nước ngọt giải khát các loại… Nên tăng cường cho trẻ nguồn rau xanh và trái cây tươi, và nên tạo điều kiện cho trẻ vận động thể lực như cho trẻ du xuân bằng đi bộ, đạp xe đạp, chơi bóng trong sân… giúp trẻ giải phóng bớt nguồn năng lượng dư thừa của cơ thể.

Trẻ bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng: Cần được tẩm bổ các thức ăn giàu dinh dưỡng như bánh ngọt, mứt tết, bánh chưng, bánh tét, phô mai, bánh pizza… Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ thưởng thức các món tết sau bữa ăn chính như là một phần thưởng dành cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị “ngang dạ” không chịu ăn nhiều cho bữa chính sẽ làm cho tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ tồi tệ hơn.

Những gia đình phải cho trẻ di chuyển hoặc đi xa: Nên trang bị những loại thức ăn chế biến sẵn, có thương hiệu và uy tín như sữa bột các loại, cháo ăn liền, mì ăn liền, nước uống các loại… phù hợp theo lứa tuổi của trẻ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong suốt chuyến đi.

Sau đó, chúng ta cần chú ý chọn món ngon ngày Tết cho trẻ:

Sữa mẹ: Luôn là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ, dù ngày Tết có bận rộn đến đâu người mẹ cũng nên tranh thủ cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt, giúp trẻ no khỏe trong những ngày Tết.

Các loại bánh tết: Như bánh chưng, bánh tét có thể cho trẻ ăn xen kẽ với các bữa chính vì 2 loại bánh này chứa hàm lượng tinh bột, lượng đạm và một lượng chất béo cần thiết cho trẻ. Các loại bánh ngọt hấp dẫn trẻ như bánh ít, bánh bông lan, bánh kem… phụ huynh có thể tự làm bằng chất bột có bổ sung đường ngọt hoặc bơ, dầu béo với lượng vừa phải phù hợp với khẩu vị của trẻ em.

Các loại hải sản tươi sống: Rất bổ dưỡng và tốt cho sự phát triển của trẻ. Phụ huynh nên chọn mua những loại hải sản tươi sống như tôm, cua, cá, ghẹ… để “tẩm bổ cho trẻ” nhưng cần đảm bảo việc lưu giữ đúng cách, để có thể an toàn khi cho trẻ sử dụng trong những ngày vui xuân.

Trái cây tươi các loại: Cung cấp rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như các loại sinh tố hoặc nước ép trái cây bao gồm cà chua, lê, dưa hấu, táo, bơm, nho… chính là nguồn cung cấp một lượng nước mát cho cơ thể, lượng chất xơ để cân đối cho khẩu phần ăn vốn rất nhiều năng lượng, chất béo và đạm trong những ngày tết.

Rau xanh các loại: Nguồn cung cấp những khoáng chất quan trọng như calcium, kẽm, sắt, magnie, vitamin C, vitamin A… và một lượng chất xơ dồi dào giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt trong những ngày đón Tết.

Sữa và sữa chua: Giúp trẻ tiêu hóa tốt, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, táo bón, tiêu chảy; phụ huynh có thể cho trẻ ăn 1 - 2 lần trong ngày.