Ồ ạt vào Việt Nam song các hãng bán lẻ thường chọn cách bắt tay với doanh nghiệp trong nước để xâm nhập thị trường dễ dàng hơn.
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, từ nay tới năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm.
Được khuyến khích phát triển, ngày càng có nhiều siêu thị xuất hiện tại các thành phố lớn, khu vực đông dân. Không chỉ có những tên tuổi đã quen thuộc như Saigon Co.op, Fivimart, Hapro mà thị trường bán lẻ có thêm nhiều tên tuổi lớn từ nước ngoài như BigC, Metro, Lotte. Đầu năm nay, Auchan - tập đoàn bán lẻ của Pháp công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam, hay như Fairprice của Singapore cũng nắm tới 35% vốn tại một đại siêu thị TP HCM.
Nhiều đại gia bán lẻ chen chân vào Việt Nam. Ảnh: Anh Quân.
Nhận xét về sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam cho biết, bắt đầu từ 2009, doanh nghiệp nước ngoài được mở siêu thị 100% vốn tại Việt nam, cộng với đây là thị trường đông dân và đang phát triển, nên ngày càng có nhiều ông lớn "nhòm ngó".
Khi vào Việt Nam, chỉ một số ít siêu thị là nước ngoài nắm 100% vốn, còn lại chủ yếu là hoạt động dưới hình thức liên doanh, liên kết. Lý giải cho biệc này, ông Phú cho hay, để mở được siêu thị, các doanh nghiệp nước ngoài phải vượt qua vòng kiểm tra về địa bàn, sức mua và quy hoạch... "Những quy định chưa rõ ràng gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, nên 90% họ tìm con đường hợp tác", ông nói. Đây là trường hợp đã xảy ra đối với Saigon Co.op khi hợp tác với Fairprice, hay như Phú Thái bắt tay Familymart của Nhật Bản xây dựng chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam...
Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vừa tránh được khâu rà soát ban đầu, lại tận dụng được hình ảnh và mạng lưới sẵn có của doanh nghiệp trong nước nên dễ tiếp cận khách hàng hơn. "Điều này giúp doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường nhẹ nhàng hơn", ông phát biểu.
Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào bán lẻ Việt Nam sẽ đem lại những mảng sáng và mảng tối. Một mặt, người dân có nhiều cơ hội được mua sắm, lựa chọn hàng hóa hơn, quy mô ngành bán lẻ tăng lên. Mặt khác, có ý kiến lo ngại miếng bánh thị phần của doanh nghiệp trong nước giảm.
"Có thêm đối thủ sẽ khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt", ông Phú khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc siêu thị Fivimart 100% vốn Việt nam cho biết, doanh nghiệp nước ngoài vào càng nhiều thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng, như cạnh tranh lớn hơn, siêu thị trong nước phải giành giật thị phần. Ngoài ra, đến năm 2015, khi Việt Nam phải thực hiện đầy đủ cam kết khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài vào càng nhiều, lúc đó sức cạnh tranh rất quyết liệt, bà Hậu chia sẻ.
Ông Phú cảnh báo, khi doanh nghiệp nước ngoài chiếm được thị phần thì có thể dẫn đến việc "thao túng" giá, giống như trường hợp Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam đã làm với sản phẩm trứng gia cầm.
Không chỉ vậy, theo ông, khi quyết định liên doanh với nước ngoài, việc nắm được quyền kiểm soát cũng rất quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam. "Ban đầu khi liên doanh, các doanh nghiệp Việt Nam thường nắm trên 51% vốn để đảm bảo quyền kiểm soát. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp cần cẩn trọng để không bị thâu tóm, bởi đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính rất mạnh và năng lực quản trị cao". Đồng thời, cũng cần lưu ý hiện tượng chuyển giá ở một số doanh nghiệp nước ngoài vừa qua có thể tái diễn với các "ông lớn" nước ngoài trong ngành bán lẻ.
Để đề phòng các trường hợp xấu xảy ra, các chuyên gia trong ngành bán lẻ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết với nhau, thông qua các Hiệp hội, ngành hàng và xây dựng chuỗi sản xuất phân phối gắn kết. "Ta phải tự cứu ta, đừng chờ ai cứu", một chuyên gia phát biểu.
Trong thời gian tới, vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam đánh giá, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, thậm chí cả các đại gia như Wallmart, Carrefour. Tuy nhiên, các "đại gia" này sẽ không vào ồ ạt mà dần dần, lần lượt vì họ cần nghiên cứu kỹ thị trường và sức mua, ông nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, sau khi thành lập liên doanh Saigon Co.op- FairPrice, đơn vị này mong muốn đến 2015 có 5 đại siêu thị tại Việt Nam và đến 2020 con số này được nâng lên 15. Trong khi đó, theo lãnh đạo siêu thị Lotte, cuối năm nay sẽ mở thêm 2 siêu thị ở Phan Thiết và Bình Dương. Sang năm 2014 mở thêm 3-4 chi nhánh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, Vũng Tàu, Cần Thơ. Theo kế hoạch trên, đến 2020 Lotte sẽ có 20-30 siêu thị tại thị trường Việt Nam. Chia sẻ về xu hướng liên kết với các đối tác khác để mở rộng thị phần, Lotte vẫn giữ vững quan điểm tự chủ động đầu tư trực tiếp, nếu có chỉ hợp tác về mặt bằng. Về phía doanh nghiệp trong nước, Phó Tổng giám đốc của hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, trước mắt, doanh nghiệp này chưa có kế hoạch hợp tác với đối tác nước ngoài, mục tiêu vẫn phải giữ 100% vốn trong nước. |