Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công Thương vừa công bố, doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014. Mức doanh thu này chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo Báo cáo này, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%). Tiếp theo là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng.
Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.
Cũng trong năm 2015, tỷ lệ dân số nước ta sử dụng internet đạt 45%; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đạt 62%.
Giá cả là yếu tố người mua hàng quan tâm nhất khi mua sắm trực tuyến (81%). Tiếp đến là uy tín của người bán hay website bán hàng (75%) và thương hiệu của sản phẩm/dịch vụ (70%).
Đáng buồn là về mức độ hài lòng khi mua sắm trực tuyến, chỉ 38% số người tham gia khảo sát trả lời hài lòng. Sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo là trở ngại được nhiều người quan tâm với tỷ lệ 73%. Tiếp theo là trở ngại về giá cả (61%), dịch vụ vận chuyển và giao nhận (45%).
Bên cạnh đó, trong số 38% người tham gia khảo sát chưa tham gia mua sắm trực tuyến, khi được hỏi về nguyên nhân chưa mua sắm trực tuyến, 50% cho biết không tin tưởng đơn vị bán hàng, 37% quan niệm mua tại cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn, 26% không có thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán qua mạng, 25% lo sợ lộ thông tin cá nhân.
Tuy vậy, 95% số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục tham gia mua sắm trực tuyến.
Doanh thu thương mại điện tử VN năm 2015 chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.(Ảnh minh họa: KT)
|