Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tết âm lịch Giáp Ngọ 2014, hầu hết các doanh nghiệp có thưởng cho người lao động, với mức bình quân bằng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người), tăng 20% so với mức thưởng Tết năm 2013. Người có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất thuộc doanh nghiệp FDI ở TP HCM, với 709 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết.
Là một DN nhỏ sản xuất bánh đậu xanh ở Hải Dương, với trên 50 lao động, năm nào DN của anh N.V.B cũng thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, năm nay do vào những tháng gần Tết nhưng lượng hàng không tăng đáng kể so với những tháng trong năm nên anh cũng phải thưởng Tết cho người lao động bằng bánh đậu xanh.
Chị Lê Thị Mây, một người lao động tại xưởng bánh đậu xanh này cho biết: Chủ DN thưởng gì thì chúng tôi biết nhận thế, mà nếu không có cũng phải chịu. Tôi sẽ mang bánh để biếu họ hàng, bạn bè vì đằng nào cũng phải mua quà biếu Tết.
Hạnh phúc cho những người lao động ở DN của anh N.V.B vì họ có thể dùng quà đó đi biếu lại bạn bè, họ hàng. Năm nay, có nhiều món quà thưởng Tết khá lạ mà chỉ biết mang về nhà như giấy vệ sinh, tương ớt, quần đùi… Nhiều người cho rằng đây là chuyện “khôi hài” trong lúc kinh tế khó khăn nhưng hàng hóa ê chề chứ không phải thiếu thốn như thời bao cấp.
Khi nói về những món quà Tết khá “độc” của năm, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, cho rằng: Điều đó không có gì đáng buồn cười cả. Làm kinh doanh ai chẳng muốn có lãi lời, hiệu quả để cuối năm thưởng Tết cho người lao động kha khá một chút để họ mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình.
“Trong lúc hàng hóa sản xuất ra không bán được thì DN thưởng Tết cho công nhân bằng chính sản phẩm của công ty, bằng hiện vật cũng là chuyện rất bình thường. Thay vì được nhận một số tiền thì người lao động được nhận một món hàng. Chúng ta “trở lại thời bao cấp” một chút. Nghĩa là mang hàng của ta đi đổi lấy thứ hàng mà ta đang cần" - TS Ánh nói.
TS Ánh cũng cho rằng, trong lúc khó khăn “có còn hơn không”, những người được thưởng bằng tương ớt, giấy vệ sinh hay quần đùi… vẫn hạnh phúc hơn hàng trăm ngàn công nhân “không có gì”.
Cũng theo quan sát của ông Ánh, trong năm qua, các DN đã thực sự cố gắng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao đời sống của công nhân. Tình hình kinh tế năm 2013 đã có những gam màu sáng hơn năm 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì những nỗ lực này của DN chưa thực sự như mong muốn.
Đúng là phải “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Anh chị Hoa Đoan, một cơ sở sản xuất cá giống ở Bắc Ninh cho biết, anh chị cũng định dùng cá giống để thưởng tết cho những người lao động ở trang trại. Năm nay thời tiết diễn biến thất thường, kinh tế khó khăn nên nhiều người bỏ ao không nuôi nữa. Cơ sở của anh chị sản xuất hàng triệu con cá giống các loại mà không có ai mua. Anh Đoan bày tỏ: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải nghĩ đến cách này. Mọi năm, cá giống bán chạy, đến Tết chỉ cần trích lãi thưởng tết cho người lao động là xong. Năm nay, tôi thấy khó nói với họ quá. Nhiều người đã từ chối không nhận quà Tết nhưng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Bản thân gia đình tôi năm nay cũng gần như không có Tết”.
Mức chênh lệch về thưởng Tết cũng là đề tài “nóng” được nhiều người bàn luận. Với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, năm nào mức thưởng cũng “khủng” hơn khối DN nội. Thế nhưng, theo quan sát của TS Vũ Đình Ánh thì mức thưởng này đang dần được thu hẹp lại và các DN trong nước theo truyền thống lại dường như quan tâm đến thưởng Tết cho người lao động hơn. Thế nhưng, do khả năng, tiềm lực và kết quả sản xuất kinh doanh hạn chế hơn các DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Đó là giải thích cho cái chúng ta muốn và cái chúng ta có thể thực hiện” – ông Ánh nhấn mạnh.
Rõ ràng trong bối cảnh thực tế của DN, tâm lý, tập quán về thưởng Tết của người lao động thì thưởng Tết không chỉ quan trọng về khía cạnh tinh thần mà cả về vật chất. Với mức lương hiện nay của người lao động thì họ không thể có tích lũy trong năm để chi dùng cho dịp Tết. Chính vì vậy, họ rất kỳ vọng vào các khoản thưởng Tết để cải thiện cuộc sống.
Nhìn ở khía cạnh khác, thưởng Tết không phải đơn giản chỉ là chuyện đưa cho người lao động bao nhiêu tiền, mà còn là thước đo đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp. Đồng thời, việc thưởng Tết còn tạo sự gắn bó giữa người lao động với DN, tạo động lực để họ tiếp tục làm việc và làm việc tốt hơn trong năm tiếp theo.
Trong năm qua, nhiều DN hoạt động không có lãi nên thưởng Tết còn hạn chế, không được như mong muốn. Đáng buồn, nhiều DN, để “né” thưởng Tết, đã sa thải người lao động ngay trước Tết.