Ngay sau khi biết thông tin Thủ tướng Chính phủ “chốt” lịch nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu năm 2021 nghỉ 7 ngày liên tục từ 12/2 đến hết 16/2/2021, nhiều người lao động (NLĐ) rất phấn khởi vì có nhiều thời gian đoàn tụ bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, không ít NLĐ làm công việc phổ thông, nhất là những người xa quê lại gánh thêm nỗi lo kiếm đâu ra tiền tiêu Tết khi dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Không ít DN đã phải cho NLĐ giãn, ngừng việc vì không có đơn hàng. “Hiện nay đang có 3 ca Covid-19 trong cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh, liệu tình hình sản xuất kinh doanh của công ty từ nay đến Tết có khả quan? Với tình hình này, chúng tôi dự đoán nhận được đủ lương là tốt, chứ không hy vọng đến thưởng Tết” – chị Nguyễn Thanh Hương đến từ Bắc Giang, đang làm việc tại một công ty may xuất khẩu bộc bạch.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về tình hình thưởng Tết cho NLĐ dịp Tết Nguyên đán năm 2021, ông Phạm Thế Phương – Đại diện Công ty TNHH Sakura Shirai cho hay: “Cũng giống như các DN khác, năm nay Covid-19, hoạt động kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, do có một phần hỗ trợ của công ty mẹ bên Nhật Bản nên đến nay chủ trương của lãnh đạo là duy trì lương, thưởng Tết cho NLĐ giống như năm trước. NLĐ sẽ được thưởng tháng lương thứ 13 Tết dương lịch và tháng thứ 14 Tết âm lịch. Số tiền tương ứng với khoản hằng tháng nhận được”. Thời điểm này, không ít DN đang lên kế hoạch tiền lương và thưởng Tết. Các DN đều khẳng định năm nay dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, doanh thu giảm, thậm chí bị nợ đọng vốn. Không ít DN nhỏ và siêu nhỏ đã phải cho NLĐ tạm ngừng việc vì thế họ đang rất đau đầu để cân đối nguồn tiền. “Nếu các bạn cống hiến được công ty ghi nhận thì chắc chắn sẽ có thành quả. Chúng tôi không bao giờ để nhân viên bị thiệt thòi. Chúng tôi sẽ dựa vào năng lực của nhân viên để xử lý. NLĐ sẽ được thưởng tháng lương thứ 13” – ông Khúc Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư giáo dục tinh hoa khẳng định.
Đề xuất hỗ trợ tiền Tết cho lao động gặp khó khănNăm nay, các DN có ảnh hưởng nhất định vì dịch Covid-19 chứ không phải tất cả đều bị. Từ nhận định này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng: “Theo tôi nghĩ, đa số các DN sẽ quan tâm, cố gắng có thưởng Tết cho NLĐ, đặc biệt là những DN có xu hướng sử dụng lao động lâu dài thì chế độ, thưởng Tết là cách giữ chân họ. Hơn nữa, từ tháng 11, 12 và tới đây, nền kinh tế đã và đang có dấu hiệu phục hồi”. Từ góc độ chuyên gia chuyên nghiên cứu lao động việc làm, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH đồng quan điểm, cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2020 hoạt động của DN có chuyển biến tích cực; từ tháng 10 thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi. Phát triển sản xuất, nhất là nông nghiệp, dịch vụ tăng nên vẫn thu hút được lao động.
Từ những phân tích trên cộng với việc Chính phủ đã quyết định giữ nguyên tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 như năm 2020, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, mức thưởng Tết 2021 sẽ chia theo 3 loại hình DN: DN đang phát triển tốt, có thị trường, thưởng Tết năm 2021 có thể bằng hoặc cao hơn mức của năm 2020. Với những DN bị tác động không nhiều bởi dịch Covid-19, nhất là các đơn vị sản xuất mặt hàng phục vụ thị trường trong nước, mức thưởng Tết có thể giữ nguyên như năm trước, nếu có thấp hơn sẽ không đáng kể. Đối với những DN bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không thì việc trả lương đầy đủ cho NLĐ đã là cố gắng lớn, rất khó để bảo đảm thưởng, thậm chí không có. Vì thế, rất cần Chính phủ hỗ trợ tiền Tết cho những NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 từ gói 62.000 tỷ đồng.