Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Hoàn thiện các quy định để không thể tham nhũng

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Nội chính T.Ư tham mưu trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Sáng 6/1, Ban Nội chính T.Ư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng. Tại điểm cầu TP Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Xử lý 67 vụ án tham nhũng
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng cho biết, năm 2019, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, kiên trì trong tham mưu và phối hợp tham mưu cho Đảng, các cấp ủy chỉ đạo xử lý có hiệu quả nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và được dư luận quan tâm.
Cụ thể, Ban Nội chính T.Ư đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) chỉ đạo xử lý 55 vụ việc và 67 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Trong đó, Ban Nội chính T.Ư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng T.Ư tổ chức và tham dự 22 cuộc họp án, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Qua đó, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án; khởi tố thêm vụ án mới, bị can mới. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng. Trong đó có một số trường hợp là cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý và tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Năm 2020, Ban Nội chính T.Ư sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy về lĩnh vực nội chính, PCTN, cải cách tư pháp; tham mưu xử lý dứt điểm, có hiệu quả các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và góp phần để công tác PCTN “không dừng, không nghỉ”…
 Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để xử lý tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, kết quả công tác nội chính và PCTN năm 2019 đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với Đảng và tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân, DN sản xuất, kinh doanh để phát triển đất nước. Trong những kết quả đó có vai trò rất quan trọng của Ban Nội chính T.Ư với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Nội chính Đảng năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, trước hết cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Nhất là phục vụ cho chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp.
Đồng thời, tham mưu trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp để góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh PCTN. Trong quá trình đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. “Ngành Nội chính phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt; xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng” -  Thường trực Ban Bí thư yêu cầu. 
 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thực hiện có hiệu quả chủ trương “chống tham nhũng, trước hết trong các cơ quan có chức năng PCTN”.
Ngoài ra, chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp và không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ. Đặc biệt, phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thật sự liêm chính, trong sạch, bản lĩnh để xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.