Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tích lũy để củng cố đà tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi tăng mạnh vượt qua các mốc quan trọng, 2 chỉ số chứng khoán đang đi ngang xoay quanh mốc 580 điểm (VN-Index) và 86 điểm (HNX – FF Index).

Các chuyên gia nhận định, trạng thái đi ngang phân hóa, thậm chí là giảm điểm nhiều khả năng sẽ diễn ra trong thời gian tới, nhưng xu hướng trung hạn vẫn được đánh giá là tích cực.

Sóng từ cổ phiếu ngân hàng…

Trong tháng đầu tiên của năm 2015, cổ phiếu (CP) ngân hàng chính là nhóm ghi dấu ấn sâu sắc nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK). Động lực cho sự tăng giá của nhóm CP này đến từ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan cũng như việc tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2015 đối với ngành này, thể hiện qua chủ trương thúc đẩy việc sáp nhập các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Mới đây (ngày 28/1), NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN năm 2015 với nội dung sẽ duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm cùng với các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông tin này đã có tác động tích cực đến diễn biến thị trường do nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng việc lãi suất trung, dài hạn giảm sẽ kích thích tăng trưởng của các DN qua việc giảm chi phí lãi vay. Tính từ ngày 1 - 30/1, các CP ngân hàng như BID, CTG, STB, VCB, MBB, EIB, SHB… đã thu hút dòng tiền rất mạnh mẽ khiến giao dịch tăng vọt và thị giá được đẩy lên rất cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Một buổi giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB. Ảnh: Thanh Hải
Một buổi giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB. Ảnh: Thanh Hải
Ngoài nhóm CP ngân hàng, trong tuần, nhóm CP có khả năng dẫn dắt thị trường là những mã có thông tin về kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan và chia cổ tức “khủng” như: KDC (Công ty Cổ phần Kinh Đô) tăng trần liên tục khi Công ty này thông báo lấy ý kiến cổ đông trả cổ tức tiền mặt đặc biệt trong năm 2015 với tỷ lệ lên đến 200% bằng tiền mặt; giá cổ phiếu của Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng tăng mạnh sau thông báo thông qua phương án chi 8.454 tỷ đồng, tương đương 44,6% vốn điều lệ để trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông. Nhiều DN khác cũng trả cổ tức khá cao như: VNM, Fideco (FDC) đã tạm ứng cổ tức 36% và tăng mức chia cổ tức cả năm từ 12% lên 48%; Thủy sản Minh Phú (MPC) và Vận tải Safi (SFI) cùng trả cổ tức 50% bằng tiền mặt... Trong bối cảnh kênh lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, thì cổ tức luôn là một trong những mối quan tâm lớn của NĐT, đặc biệt là những DN có lịch sử trả cổ tức “khủng”.

Phân hóa, tích lũy

Trong tuần, sau khi 2 chỉ số VN-Index và HNX – FF Index kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ 580 điểm và 86 điểm, đã chững lại với khối lượng giao dịch ở mức thấp.

Ở góc độ thị trường, nhiều chuyên gia nhận xét, sau một thời gian tăng mạnh, hoạt động chốt lời tại nhóm CP ngân hàng có thể sẽ gây áp lực lên thị trường trong một vài phiên tới. Thực tế, 2 phiên cuối tuần, nhóm CP ngân hàng đã bắt đầu tăng chậm lại hoặc giảm nhẹ. “Điều này tiếp tục cho thấy tiềm năng tăng giá của nhóm này đang thực sự là ẩn số đối với thị trường” - ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) phân tích.

Từ ngày 1/2, Thông tư 36/2014/TT - NHNN có hiệu lực, theo TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, hàng chục ngàn tỷ đồng vốn được các ngân hàng bơm vào TTCK, với vòng quay lớn có thể sẽ quay trở lại ngân hàng khi Thông tư có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng nặng đến TTCK, làm giảm mạnh thanh khoản của thị trường. Tuy vậy, cơ hội sẽ vẫn xuất hiện tại một số CP có kết quả kinh doanh năm 2014 đột biến, hoặc có các thông tin tích cực hỗ trợ như triển vọng kinh doanh tốt trong năm 2015, chia cổ tức, tái cơ cấu… Cũng theo ông Nghĩa, Thông tư 36 đưa ra những điều kiện và giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh CP, buộc các ngân hàng phải chủ động củng cố năng lực tài chính, giảm tỷ lệ sở hữu chéo, khống chế phát sinh nợ xấu…, và về lâu dài thì Thông tư hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thị trường vốn sẽ khiến thị trường tốt hơn, lành mạnh hóa thị trường.

Trong khi đó, vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên vào đầu năm 2015. Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp của Chính phủ Việt Nam. Các thông tin khác như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… được công bố vẫn khá tích cực.

Theo các chuyên gia, vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục tạo nền tảng tăng trưởng cho thị trường trong trung hạn. Giai đoạn hiện tại,VN-Index đang chững lại tích lũy được đánh giá là phù hợp để NĐT gia tăng hoạt động tái cơ cấu danh mục sang các mã có cơ bản tốt, dự báo có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2015.

 
Trong thông báo chính thức về chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) ngày 22/1, gói kích thích kinh tế trị giá 60 tỷ euro/tháng, dự kiến triển khai từ tháng 3/2015 - 9/2016. Xét ở phương diện đầu tư, gói QE này sẽ đẩy dòng tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư không chỉ ở EU. Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều tổ chức tài chính EU đầu tư thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Nhiều NĐT lạc quan TTCK năm 2015 sẽ vẫn trong xu hướng tích cực nhờ khối ngoại.