Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh đề xuất cho phép tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông trong trường hợp nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép của Ủy ban ATGT Quốc gia, những ngày qua, có rất nhiều tranh luận trái chiều.

Ngày 11/3, Trung tâm Truyền thông, Giáo dục cộng đồng đã tổ chức Hội thảo "Giảm thiểu TNGT: Tịch thu bằng chế tài mạnh, pháp lý và thực tiễn" đã thu được nhiều ý kiến đóng góp. Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình với chế tài mạnh đối với người vi phạm nhưng đều cho rằng, cần có hệ thống chế tài gồm nhiều mức cho các vi phạm khác nhau và tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng.

 
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự: Nếu người dân chưa đồng ý thì cần cân nhắc
Tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng - Ảnh 1

Nghị định này kéo theo nhiều vấn đề, như người dân lo sợ làm thế nào để biết hàm lượng cồn nếu như CSGT không chỉ cho người ta thấy rõ, vấn đề bán xe, xử lý xe bị tịch thu, chủ sở hữu, kiểm tra có làm tiêu cực hay không…, nên phải nghiên cứu cụ thể hơn. Ủy ban ATGT Quốc gia có nói, sẽ kiểm tra chống tiêu cực của công an cũng là tốt nhưng không phải là cơ bản, điều cơ bản là làm sao vừa giảm thiểu được số người tử vong do TNGT nhưng biện pháp phải có tính ổn định, phù hợp với tất cả các luật. Khi đưa ra một nghị định liên quan đến nhiều đạo luật xung quanh như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính thì phải cân nhắc, tính toán. Trong đó, Hiến pháp là luật mẹ, các luật khác đều phải tuân theo. Trong quy định, chỉ vi phạm hình sự mới tịch thu, nhưng đây là hành vi vi phạm hành chính, chịu mức xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn phải tuân theo Hiến pháp. Theo tôi, trong vấn đề này nếu đa số người dân chưa đồng ý thì phải cân nhắc, chúng ta không phản đối nhưng cần phải cân nhắc. Tôi đề xuất với các cơ quan Nhà nước nên tạm dừng để lắng nghe ý kiến Nhân dân nhiều hơn và có những biện pháp tốt hơn.
TS Trần Hữu Minh, Đại học GTVT: Chỉ tịch thu phương tiện trong trường hợp nghiêm trọng
Tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng - Ảnh 2

Theo kinh nghiệm nhiều nước, họ sử dụng nhiều giải pháp ở các mức độ khác nhau đối với các sai phạm ở mức độ khác nhau như bấm lỗ giấy phép lái xe, 3 tích điểm phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông, phạt lũy tiến và tịch thu là một trong những sự lựa chọn. Tuy nhiên, ít quốc gia tịch thu xe ngay sau lần vi phạm đầu tiên mà thường đối với tái phạm lần thứ ba, thứ tư. Cần lưu ý rằng, chỉ nên sử dụng giải pháp tịch thu phương tiện là giải pháp cuối cùng khi đã áp dụng các giải pháp trước đó nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn. Tịch thu phương tiện chỉ nên dùng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Những trường hợp này thường bao gồm: Tái vi phạm nhiều lần với tần suất cao, cố tình chống người thi hành công vụ, hoặc mất hoàn toàn kiểm soát do nồng độ cồn quá cao (gấp 4 lần nồng độ cho phép).
Số liệu thống kê cho thấy, các giải pháp nghiêm khắc đối với phương tiện có tác động tích cực đến ATGT, giúp góp phần giảm tỷ lệ tái phạm từ 65 - 90% tại nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau, mức độ tác động cần được tiến hành trong một nghiên cứu độc lập, tốt nhất là so sánh trước và sau khi triển khai chính sách.
Trong phần lớn các trường hợp vi phạm lần đầu hoặc không nghiêm trọng, các nước không sử dụng giải pháp tịch thu phương tiện. Bởi vậy, các mức phạt nên đa dạng và theo hình thức nặng dần để phù hợp với các mức độ vi phạm và ý thức cải hối của người vi phạm.
Về bản chất khi vi phạm trở nên nghiêm trọng, có thể uy hiếp tính mạng của người khác, lúc đó, nhà chức trách phải hành động để đảm bảo an toàn cho người dân, vừa để răn đe, vừa để chấm dứt nguy hiểm này. Quyết định tịch thu nên để cho tòa án quyết định theo pháp luật.
Vì vậy, khi đưa ra một quyết định cần phải nghiên cứu để giải quyết vấn đề thực tế. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống hình phạt với nhiều mức phạt khác nhau theo hướng lũy tiến.
Luật sư Phan Hữu Thư - Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp: Không vội được, phải tính toán thật kỹ
Tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng - Ảnh 3

Dư luận quan tâm vấn đề có trái Hiến pháp không, quan điểm của tôi thì nếu thiếu luật hoặc luật chưa đủ thì chúng ta bổ sung. Điều tôi quan tâm là phương pháp tiếp cận, tư duy pháp lý trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này nếu áp dụng cần cân nhắc đến tính công bằng khi đưa văn bản pháp luật tới quần chúng. Tính công bằng bao gồm cả tính hợp lý, tính hiệu quả và khả thi của văn bản. Chúng ta cần xem xét tính công bằng ở chỗ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào lỗi, ví dụ, anh vi phạm nhiều lần thì chế tài càng nặng, không loại trừ tịch thu. Ví dụ, anh vi phạm 5 lần nên tịch thu nhưng giờ một người vừa lần đầu uống cốc rượu rồi tịch thu luôn là chưa hợp lý. Tôi ủng hộ chế tài mạnh nhưng phải có nhiều khung hình phạt tùy thuộc từng mức độ vi phạm, và đồng ý tịch thu nhưng chỉ khi vi phạm nhiều lần.
Quan trọng là làm thế nào để người uống rượu say sợ lái xe khi say rượu. Sẽ có vô vàn những zích zắc mà chúng ta chưa thể tính toán hết được nếu vội vàng đưa vào thực thi. Khi dân chúng đang bức xúc như hiện tại thì bằng cách này hay cách khác tính khả thi không cao. Tôi khẳng định tính khả thi của đề xuất này không cao. Việc này không vội được, phải tính toán thật kỹ.
Ông Ngô Dương  - Viện Nhà nước và Pháp luật: Nên là hình phạt bổ sung
Tịch thu phương tiện chỉ nên là giải pháp cuối cùng - Ảnh 4

Mục đích xử phạt là để tác động đến hành vi con người, tác động nhằm triệt tiêu hành vi vi phạm. Trong các tác động đến hành vi vi phạm của con người như phạt tiền, tịch thu phương tiện, tịch thu nên là hình phạt bổ sung. Mạnh nhất là vi phạm lần thứ hai mới tịch thu phương tiện, lần thứ nhất là phạt tiền hoặc lao động công ích để nộp phạt. Theo tôi, hình thức xử phạt chính nên là phạt tiền và những hạn chế khác như treo bằng lái hoặc buộc thi lại. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến trường hợp sau khi bị tịch thu phương tiện, cần có biện pháp cản trở việc tiếp tục tiếp cận phương tiện của người vi phạm, như vậy mới có tính răn đe. Để có thể làm được điều này, chúng ta phải có hệ thống theo dõi hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện và có ghi rõ lại họ đã vi phạm bao nhiêu lần. Vì vậy, khi đưa ra đề xuất, chúng ta phải tính có bao nhiêu người, ngân sách chi cho nó, phương tiện để thực hiện nó. Tôi kiến nghị cần phân tích kỹ hơn.
Chuyện xử lý xe mượn hoặc xe của người khác cũng rất dễ xử lý. Chủ sở hữu nếu chứng minh được không có lỗi trong việc người điều khiển phương tiện uống rượu hoặc sử dụng ma túy thì "chính chủ" được lấy xe về, người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm nộp tiền.