Tiềm ẩn cháy nổ khôn lường từ loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các loại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD) chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề dẫn tới nguy cơ cháy lan cao; công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Do đó, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã mở nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức, kỹ năng thoát nạn cho người dân.

Nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư
Hiện nay, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có hàng trăm cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, siêu thị, trung tâm thương mại… trong khi đó việc trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đầy đủ, thậm chí nhiều hộ không có. Trước tình hình này, để chủ động phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an quận Hai Bà Trưng đã mở nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức, kỹ năng thoát nạn nhằm giảm nguy cơ thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.
Người dân là chủ hộ kết hợp kinh doanh, cơ sở sản xuất thực hành dùng bình cứu hoả mi ni chữa cháy.
Đại diện lãnh đạo Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, vừa qua, ngày 29/7, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Hai Bà Trưng đã đã tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền cho gần 300 người dân là chủ hộ kết hợp kinh doanh, cơ sở sản xuất, chợ và trung tâm thương mại.
Tại buổi tập huấn, cán bộ Cảnh sát PCCC đã nêu ra những tình huống cháy và nguyên nhân cháy để người dân nâng cao ý thức, đồng thời nêu rõ vai trò quan trọng của việc trang bị thiết bị PCCC và kỹ năng xử lý. Sau phần trao đổi kinh nghiệm, các học viên được thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay và dập lửa bình gas.
Vào đầu tháng 7/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH cho 400 người đứng đầu và cán bộ phụ trách công tác PCCC, CNCH tại các cơ sở trên địa bàn quận. Tại lớp tập huấn, giảng viên - Đại úy Nguyễn Văn Đương - Đội phó đội PCCC công an quận đã truyền đạt phần lý thuyết bao gồm: Vai trò, nguyên tắc, tính chất công tác PCCC; một số qui định của pháp luật về PCCC đối với người đứng đầu và cán bộ phụ trách công tác PCCC; Một số kiến thức cơ bản về PCCC và trình tổ chức chữa cháy; Phổ biến tính năng, tác dụng, kỹ năng vận hành, quản lý, bảo quản các trang thiết bị PCCC và CNCH (Bình chữa cháy xách tay, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy và vách tường...). Ở phần thực hành, các học viên được hướng dẫn thao tác về nghiệp vụ chữa cháy, CNCH và cách sử dụng các phương tiện bình chữa cháy xách tay, lăng, vòi chữa cháy…
Mục đích của lớp tập huấn là nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, đồng thời trang bị những kiến thức nghiệp vụ cơ bản về PCCC, cách xử lý khi có sự cố về cháy xảy ra, cách điều hành chỉ huy các lực lượng và phương tiện tại chỗ cũng như biết cách vận dụng triển khai thực hiện những nội dung cơ bản về PCCC và CNCH cho người đứng đầu và cán bộ phụ trách công tác PCCC và CNCH tại các cơ sở trên địa bàn quận góp phần đưa luật PCCC vào cuộc sống, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền về PCCC
Cũng theo lãnh đạo Công an quận Hai Bà Trưng, hiện nay, cơ sở SXKD nằm trong nhà ở trên địa bàn quận rất phổ biến. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng tạp hóa, gas, buôn bán quần áo, nghề thủ công... Ngoài một số cơ sở có quy mô lớn, mặt bằng rộng, điều dễ nhận thấy trong hầu hết những nhà ở kết hợp SXKD là sự bừa bộn, kho chứa thiếu ngăn nắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Trước đó, vụ cháy nhà kết hợp cơ sở kinh doanh xảy ra vào cuối tháng 7/2017, tại ngôi nhà 4 tầng ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã làm 2 người chết như hồi chuông cảnh báo về ý thức phòng cháy cho loại hình nhà ở này. Đáng chú ý, trong vụ cháy này, lực lượng chức năng qua khám nghiệm cho thấy hiện trường cháy có nhiều hàng hóa xếp từ tầng 1 theo dọc cầu thang lên tầng 2, khi xảy cháy lửa nhanh chóng lan và bùng phát lớn. Trong khi đó gia chủ không có lấy 1 bình cứu hỏa hay hệ thống báo cháy để phát hiện sớm nên để lại hậu quả khôn lường...
Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội khảo sát về công tác PCCC tại Nhà Z10 - Khu dân cư số 1 phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng).
Qua công tác khảo sát thực tế của lực lượng chức năng cho thấy, hệ thống dây dẫn điện trong những loại nhà này không phù hợp với phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt; không có sự bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp; treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện; để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện… Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính, đồng thời cũng là cửa thoát nạn, mà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói.
Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo; lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, xây dựng các “lồng” bằng thép kiên cố ở khu vực ban công. Ngoài ra, các loại nhà ở kết hợp SXKD chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề dẫn tới nguy cơ cháy lan cao; công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố gặp nhiều khó khăn…
Thực trạng đã làm cho công tác PCCC&CNCH gặp nhiều khó khăn do cửa hàng được xây dựng kiểu nhà ống, không có lối thoát nạn, các cửa ra vào của gia đình đều khóa chặt. Trong cửa hàng có nhiều hàng hóa dễ cháy khiến cho đám cháy bùng phát trên diện rộng.
Trước thực trạng trên, Cảnh sát PC&CC và CNCH - Công an quận Hai Bà Trưng đã tham mưu cho UBND quận, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp phường đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương. Trong đó, tập trung đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC đối với khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần