Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiềm ẩn rủi ro từ “cơn sóng ngầm” tín dụng bất động sản

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn vốn tín dụng luôn được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường bất động sản (BĐS) ở Việt Nam, với ước tính cơ cấu vốn tín dụng chiếm 70-80% giá trị thị trường BĐS.

Tình trạng một số doanh nghiệp BĐS phát triển kinh doanh dựa vào nguồn vốn tín dụng lớn rõ ràng đang tiềm ẩn sự rủi ro rất lớn khi mà các ông chủ nhà băng hạn chế cung cấp nguồn tín dụng cho BĐS.

Bất động sản chung cư trung và cao cấp đảo chiều

Có một thực tế mà theo thông kế đánh giá của thị trường BĐS trong thời điểm cuối quý II/2017 có dấu hiệu chững lại ở phân khúc nhà chung cư trung và cao cấp. Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia thì thị trường ở phân khúc hiện đang còn dư nguồn cung mà nhất là ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn nhiều dự án chung cư trung và cao cấp sẽ tung ra thị trường vào dịp cuối 2017 và đầu 2018.

 Ảnh minh họa

Một kịch bản cho việc thị trường ở phân khúc này chững lại là hoàn toàn có thể xảy ra khiến cho các ông chủ nhà băng sẽ lo ngại dư nợ tín dụng cho BĐS mà cụ thể là phân khúc chung cư trung và cao cấp sẽ tiềm ẩn phát sinh nợ xấu từ các nhà đầu tư thứ cấp và nhất là các chủ dự án chưa hoàn thiện và chuẩn bị khởi công. Thêm vào đó trong một báo cáo của Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay nguồn cung nhà ở trung và cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, dự báo từ nay đến cuối năm khả năng sẽ dư thừa nguồn cung ở phân khúc này là hoàn toàn hiện hữu.

Các ông chủ nhà băng “dè chừng” cấp tín dụng

Chia sẻ với dư luận về phía các NHTM cho biết Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD có hiệu lực từ tháng 7/2016 được xem là cơ sở cho tín dụng lĩnh vực BĐS trong thời gian qua tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Công văn này đã xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 50%. Đồng thời, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS được tăng từ 150% lên 200%, là cơ sở đảm bảo an toàn cho các dòng vốn đổ vào thị trường BĐS.

Về phía cơ quan quản lý NHNN nhất là chi nhánh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng cơ quan Thanh tra giám sát luôn nhắc nhở giám sát yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đặc biệt là đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát việc cấp tín dụng đối với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro đảm bảo an toàn và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS. Do đó NHNN đề nghị các ngân hàng cần hạn chế và thận trọng khi xem xét thẩm định, quyết định cho vay các dự án mới, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại trung và cao cấp, khu nghỉ dưỡng có khả năng thanh khoản thấp trong tương lai.

Các NHTM cũng khẳng định hiện tại đang rà soát tín dụng với các dự án BĐS phân khúc trung và cao cấp để phòng tránh bong bóng BĐS trong tương lai gần. Cần có một cái nhìn thực tế là năm 2017 thị trường BĐS sẽ chịu áp lực dòng tín dụng cho BĐS sẽ được các NHTM siết chặt hơn.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong nhận định: "Việc các NHTM siết nguồn tín dụng cho BĐS là một động thái nghiệp vụ hợp lý trong bối cảnh thị trường BĐS đi xuống thì đó là điều cần thiết cho việc tránh phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn”. Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó các NHTM vẫn mở rộng tín dụng cho các đối tượng mua nhà để ở và có nguồn thu nhập ổn định để trả nợ.

Trong một tuyên bố mới đây từ Hiệp hội BĐS Việt Nam có đưa ra đề xuất, thời gian tới, bất động sản sẽ đối mặt với khó khăn về nguồn vốn khi tín dụng bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Hiệp hội BĐS sẽ vận động các doanh nghiệp góp vốn thành lập quỹ đầu tư bất động sản….có lẽ đây cũng là một giải pháp lâu dài, bền vững cho việc phát triển kinh doanh của thị trường BĐS.