Qua tìm hiểu được biết, đứa bé ấy được sinh ra trong một gia cảnh éo le khi chưa xác định được bố ruột. Còn người mẹ đang phải thụ án liên quan đến ma tuý khi cháu bé mới 1 tuổi. Trước đó, người mẹ đã mang thai trước khi sinh sống kiểu "góp gạo thổi cơm chung" với người đàn ông tên Toàn (ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ông Toàn cũng chính là người hằng ngày mang cháu bé lang thang khắp nơi mọi chốn mưu sinh bằng nghề bán thẻ cào điện thoại.
Điều đáng nói, khi trả lời báo chí, lãnh đạo một cơ quan chức năng cho rằng, đang phối hợp cơ quan chức năng để chăm sóc cháu bé và nói thêm “không có gì tốt bằng khi em bé được ở với gia đình mình”. Câu nói này làm nhiều người chợt nhớ đến mục quảng cáo sữa trên truyền hình.
Khi ấy, bất cứ hãng sữa nào quảng cáo sản phẩm sữa đều phải kèm câu nói “sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Vâng. Đúng vậy. Câu nói của vị lãnh đạo kia luôn đúng và câu nói trong quảng cáo sản phẩm sữa kia cũng vậy.
Thế nhưng, vấn đề mà dư luận quan tâm là những ngày qua, những người làm công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn ở đâu mà không bất cứ có hình thức can thiệp nào để người đàn ông kia mang đứa bé mới chỉ 18 tháng tuổi trần truồng đi mưu sinh giữa tiết trời nắng nóng hết ngày này đến này khác, chỉ khi báo chí lên tiếng, họ mới “xắn tay” vào cuộc?
Còn đối với người đàn ông kia thì quá nhẫn tâm, điều đó không phải bàn cãi. Có thể vì mục đích mưu sinh, đứa bé chính là công cụ để ông ta lợi dụng lòng tốt của những người xung quanh. Dù bất luận lý do gì, điều này cũng quá bất nhẫn đối với một đứa trẻ chưa biết tự vệ.Nhìn lại, chỉ trong mấy ngày qua, quá nhiều vụ bạo hành con trẻ khiến xã hội bất bình, phẫn nộ, từ việc bố mẹ đánh con dập cả người, cô giáo đánh học sinh thâm tím cả 2 cánh tay chỉ vì trẻ viết chậm…
Tất cả nhằm thỏa mãn sự nóng giận, bực tức của người lớn mà quên đi quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ trẻ em của người bố, người mẹ, của thầy cô giáo, của ngành chức năng và cả cộng đồng. Đừng để những đứa trẻ đáng thương ấy hằn sâu thêm nỗi đau về tinh thần và thể xác.