Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Đừng tin mù quáng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh nhi 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên bị ung thư máu nhưng gia đình bỏ điều trị tại bệnh viện và đưa bé đi chữa bệnh bằng thực dưỡng khiến bé tử vong thật đau lòng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh đang điều trị ung thư, nhiều người vì tin mù quáng, bỏ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn, đi theo các phương pháp không có cơ sở khoa học.

Riêng sự việc của em bé 30 tháng tuổi này trước đó đã được Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên chẩn đoán ung thư máu dạng cấp và đề nghị chuyển Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ bệnh viện và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng trên mạng xã hội để "điều trị".
Theo lời quảng cáo và hứa như “đinh đóng cột” của nhân vật trên mạng xã hội này thì “chỉ cần chữa bệnh bằng thực dưỡng, bé chắc chắn khỏi bệnh”. Cách "điều trị" cho cháu bé là cho nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất, ăn tương sắn dây. Sau một thời gian "điều trị" bằng thực dưỡng, bé đã tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, với chẩn đoán mắc ung thư máu cấp dòng Lympho của cháu bé hơn 2 tuổi thì tiên lượng điều trị rất tốt, cơ hội sống cao. Thậm chí, nếu tìm được tế bào gốc phù hợp và được ghép tế bào gốc, cháu bé sẽ khỏi bệnh. Cho đến nay, bệnh ung thư máu chưa có một chế độ thức ăn nào chữa được khỏi bệnh, bệnh chỉ được điều trị bằng hóa trị liệu và ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, niềm tin mù quáng vào việc chữa bệnh bằng thực dưỡng của người mẹ đã đánh đổi bằng cả tính mạng của chính con mình.
Trước đó, tại các bệnh viện đã từng cảnh báo nhiều trường hợp đang điều trị theo phác đồ lại bỏ và đi theo các phương pháp như cúng bái “bắt ma”, đắp lá cây chữa bệnh, ăn gạo lứt muối mè, uống nước tiểu… nhưng đều thất bại. Hậu quả là khi quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối với nhiều biến chứng khác nhau, khó cứu chữa, nhiều người đã sớm từ bỏ sự sống.
Đặc biệt, gần đây mạng xã hội đang rộ lên phong trào ăn thực dưỡng chữa bách bệnh được lan tỏa rộng rãi khiến nhiều người tin theo. Cùng với đó, một nhóm người lại dùng Facebook là công cụ để tuyên truyền, kêu gọi anti vaccine. Trong khi đó, nhiều đứa trẻ bị nhiễm các loại virus nguy hiểm, gần đây là viêm não Nhật Bản, bạch hầu, sởi… chỉ vì không được tiêm phòng. Hầu hết trẻ bị bệnh bạch hầu trong đợt dịch này ở Tây Nguyên đều rơi vào nhóm trẻ chưa tiêm chủng vaccine.
Chỉ mong các cơ quan cơ quan chức năng phối hợp xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo lừa đảo, tuyên truyền nhằm chống phá những thành quả của hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh. Mặc khác, mong người dân chọn lọc thông tin, khi có bệnh cần tham khảo các nhà chuyên môn, không mù quáng tin theo những phương pháp khám chữa bệnh phản khoa học khiến tiền mất tật mang…