Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Hãy ưu tiên quan tâm y, bác sĩ!

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi máy bay cất cánh, bao giờ hành khách cũng được các tiếp viên hàng không hướng dẫn, khi có sự cố bạn hãy chụp mặt nạ cho mình, rồi mới tính đến việc hỗ trợ giúp đỡ trẻ em, người già xung quanh.

Trong dịch Covid-19 này cũng vậy, đội ngũ y, bác sĩ và những người tham gia chống dịch cũng cần được quan tâm, bảo vệ, để họ còn làm đội ngũ nòng cốt, tiên phong chống chọi với virus Corona.
Cả nước có gần 500.000 nhân viên y tế và sắp tới đây các y, bác sĩ đã về hưu, các sinh viên y khoa sẽ được tăng cường. Tính đến 23/3 đã có 3 chiến sĩ áo trắng bị nhiễm bệnh, trong số đó có 1 bác sĩ làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe của hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài.
Cuộc chiến với virus Corona còn dài, hơn ai hết họ cần an toàn. Những “chiến sĩ áo trắng” nói riêng và những người tham gia chống dịch nói cung cần được an toàn. Họ phải được an toàn mới có thể trụ lại, giúp cộng đồng chặn đứng được dịch bệnh. Mấy ai thấu hiểu, những “chiến sĩ thầm lặng” đang ngày đêm căng sức phục vụ Nhân dân chỉ ăn mức 57.000 đồng/người/ngày, trong khi đó những người cách ly chỉ ăn, ngủ và vào internet lại có mức ăn 100.000 đồng/người/ngày.
Không một chiến sĩ quân đội, hay thầy thuốc nào đòi hỏi đến quyền lợi vật chất trong những ngày cả đất nước gồng mình ngăn chặn dịch. Nhưng khi Chính phủ đã xem “chống dịch như chống giặc” thì đã đến lúc ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống của y, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, cần phải nghĩ đến việc khen thưởng, vinh danh họ, cần có những khoản trợ cấp cho những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch.
Người ta vẫn thấy đâu đó, những người dân đang đeo khẩu trang y tế ngoài đường phố, mà thực ra người dân không cần sử dụng khẩu trang y tế. Chúng ta đang lãng phí khẩu trang y tế trong khi các thầy thuốc lại thiếu. Họ mới chính là những người cần khẩu trang y tế, cần trang bị bảo hộ chống dịch để đảm bảo an toàn vì thường xuyên trực tiếp tiếp xúc với người dương tính. Nếu không phải đến cơ sở y tế, không phải chăm sóc người bệnh, bạn chỉ cần dùng khẩu trang kháng khuẩn là đủ. Đừng lãng phí khẩu trang y tế đang là khẩu hiệu cần thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng.
Trong thời gian tới, Việt Nam rất cần kinh phí để mua thuốc dự trữ, máy thở và các thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân, nhất là các trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì nhiều nơi, bác sĩ, các chiến sĩ đang phục vụ cách ly chưa đủ khẩu trang y tế và quần áo mặc 1 lần!
Các bác sĩ đang là những chiến sĩ đi đầu trong thời điểm cả nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo phòng, chống quốc gia có kế hoạch mua sắm đầy đủ với khoảng gần 4.000 máy thở, ngành y tế đã có kế hoạch và ký hợp đồng mua sắm được khoảng hơn 5 triệu khẩu trang trong dự trù là 30 triệu khẩu trang mua mới.
Tại Việt Nam rất có thể sẽ có một số bệnh nhân diễn biến nặng, khả năng suy hô hấp không hồi phục hay tử vong đều có thể xảy ra, điều này đã nằm trong tiên lượng của ngành y tế. Khẩu trang y tế đang thiếu, vậy bạn hãy dừng lại ý định mua khẩu trang y tế, nếu như bạn đang manh nha thực hiện điều đó. Nếu bạn đã mua khẩu trang y tế mà chưa dùng đến hãy tặng cho cơ sở y tế gần nhất.
Những ai có tấm lòng và khả năng, hãy mua khẩu trang y tế và tặng cho cơ sở y tế gần nhà bạn, hoặc CDC các tỉnh, TP. Hãy ưu tiên dành khẩu trang y tế cho các thầy thuốc đã trở thành mệnh lệnh cuộc sống trong thời dịch Covid-19.