Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Không gì là không thể

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Hà Nội, sáng Chủ nhật hàng tuần thường có cuộc thi khoe giọng chim khuyên ở khu vực hồ Thiền Quang. Từ khi có dịch Covid-19 có thêm vài ông giám đốc chuyên xuất nhập khẩu với Trung Quốc, dần dà có thêm cả mấy ông chuyên thị trường châu Âu tham dự cuộc chơi.

Đường biên tạm đóng nên các ông rảnh rỗi, các ông đành cà phê và nghe chim khuyên, chào mào hót… kể đủ chuyện trên trời, dưới bể.
Trong khi ấy, bất ngờ có tin mắm Lê Gia lại xuất được sang Đài Loan, nơi người dân thường dùng xì dầu. Dân trong nghề ngạc nhiên, thời buổi khó khăn này, hàng bình thường còn khó, đây mắm lại lên đường “mang chuông đi đánh cơm người” mới gây ngạc nhiên. Bà chủ ngành hàng khuôn mẫu chia sẻ:
- Ta thì lo "ngồi đồng" cà phê, chơi chim cho qua ngày nhưng vợ chồng Lê Gia thì chăm chỉ lắm. Chi tiết từng việc nhỏ, đơn giản như việc sử dụng nắp chai họ cũng nghiên cứu tỷ mỉ để cải tiến mẫu mã.
- Nút chai mà cũng phải nghiên cứu ư? - Giám đốc Hải, chuyên về xuất thanh long đi Trung Quốc ngạc nhiên.
- Đúng rồi, ban đầu ông bà ấy nhập từ Thái Lan về nhưng thấy chưa ưng ý, nên đã đặt tôi khuôn mới. Nắp nút chai ngoài tiện sử dụng, còn phải khống chế, đếm được, định lượng được lượng nước mắm rót ra cho phù hợp với khẩu phần ăn của trẻ.
- "Xuất thân từ Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học, ở lại Hà Nội mày mò làm mắm. Để có thương hiệu xuất khẩu họ thường xuyên đặt hàng chúng tôi thu mua loại Cá cơm Than, phải là loại cá màu đen, có vây sọc đen bạc ở giữa, chất lượng mắm mới ngon" - ông Giám đốc xuất khẩu hải sản chia sẻ.
Những người sành ăn chả cá Lã Võng ở Hà Nội lâu này đã quen thuộc với nước mắm Lê Gia của ông chủ thương hiệu vốn là kỹ sư xây dựng. Năm ngoái, nước mắm Lê Gia đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, tưởng như do đại dịch Covid-19 lộ trình xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) bị chậm lại.
Nhưng rốt cuộc bà chủ vốn xuất thân từ dân dược đã tích cực làm việc online để có được 1 container mắm. Mà xuất khẩu được mắm chính là xuất khẩu văn hóa, một điều thần kỳ trong thời điểm bức tranh xuất khẩu ảm đạm.
Người ta cũng chứng kiến, trong bối cảnh thanh long không xuất được sang thị trường Trung Quốc thì bánh mì thanh long ra đời và được thị trường trong nước chấp nhận. Rồi để giải cứu cho nông dân, chàng trai trẻ Duy Toàn, tốt nghiệp ở Hoa Kỳ đã mở xưởng ở Củ Chi chế biến nông sản với công nghệ sấy: bánh tráng, bún khô...
Trong những ngày dưa hấu cần giải cứu, Duy Toàn cùng cộng sự nghiên cứu tìm ra công thức làm bánh tráng dưa hấu, bún dưa hấu... Đến nay, Duy Toàn đã xuất được sản phẩm đến hơn 40 nước, chỉ với một bí quyết: thường xuyên đi chợ thế giới để tiếp thị và bán hàng, thật tận tụy, thường xuyên.
Khó khăn là có thật nhưng “trong cái khó, ló cái khôn” và không có cái gì là không thể, câu chuyện mắm Lê Gia đã lên đường có mặt tại cả Hàn Quốc, Đài Loan ít nhiều đã tạo niềm tin cho các doanh nhân Việt.