Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đang “chết dần, chết mòn”
Với kết quả 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, chỉ số CPI chiếm 1,47%, thu ngân sách đạt 58,2%, tăng 16,3% so với cùng kỳ, theo nhận định của các đại biểu Quốc hội, dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng so với quốc tế và khu vực thì đây là tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và DN, thể hiện rõ ở số liệu trong 6 tháng đầu năm bình quân mỗi ngày có 400 DN phải rút lui khỏi thị trường, tăng 2,49% trong cùng kỳ năm 2020.
Như phân tích của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu đoàn TP Hà Nội), hiện nay nếu chỉ căn cứ vào con số của 6 tháng đầu năm, có thể thấy sự phân hóa lớn, trong khi kinh tế đối ngoại phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu cao đạt hơn 30% so với năm ngoái, khu vực kinh tế trong nước rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu…
Trong khu vực dịch vụ, ngoài các DN tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các DN dịch vụ khác đang là các “tử huyệt” của nền kinh tế. Nhiều DN trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang “chết dần, chết mòn” và có khả năng không vực dậy được sau đại dịch nếu không có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ.
|
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Nêu ra các giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19, đặc biệt là tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. Đại biểu cũng đề xuất cơ chế “hộ chiếu vaccine” cho toàn dân khi có đủ tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đây là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế phục hồi trở lại.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) kiến nghị cần phải rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả của gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đúng đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô có điều kiện, tiêu chí, tránh lãng phí, trục lợi chính sách. Đại biểu cũng nhấn mạnh cần phải tập trung hỗ trợ đòn bẩy cho các DN đang nỗ lực và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN có khả năng phục hồi. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư cho cơ hội bỏ vốn, đặc biệt DN vừa và nhỏ, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Cùng liên quan đến việc hỗ trợ DN, các đại biểu phân tích, trong thời điểm hiện nay khi doanh thu của DN không nhiều, ngoài những biện pháp hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, bổ sung thêm nội dung xây dựng các chương trình hỗ trợ DN trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu. Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhưng về mặt dài hạn, cần có chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực. Bởi ngay cả khi chúng ta hỗ trợ về mặt tín dụng, nếu DN không có khả năng hấp thụ thì cũng chưa phát huy được đầy đủ các hỗ trợ này.
Tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lựcCác đại biểu cũng phân tích, chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng khi sản xuất, kinh doanh khó khăn, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau, do vậy, lúc này rất cần sự tiết kiệm chi ngân sách. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), mặc dù đã giao dự toán ngân sách năm 2021 nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm…
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng bày tỏ sự lo lắng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã bào mòn sức khỏe của DN và cuộc sống của người dân, khiến triển vọng kinh tế nước ta năm 2021 trở nên kém lạc quan. Hiện nay, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế đến từ nguồn lực đầu tư công, còn vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đã bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạ dần.
“Dù ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn đạt 781.000 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư phát triển nhưng giải ngân lại quá chậm. Thu ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng tới khi lần này dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp lớn...”- đại biểu phân tích.
Theo các đại biểu Quốc hội, kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với các mục tiêu tổng quát của cả 5 năm và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm vẫn xác định GDP bình quân khoảng 6,5 đến 7% và tăng trưởng năm nay vẫn đang phấn đấu ở mức trên 6%. Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, một trong những giải pháp quan trọng là thường xuyên rà soát kịp thời, có biện pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, tầm khoảng 24.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ đã trình và Chính phủ thực hiện chủ trương là giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi về hội họp, công tác phí, đi công tác nước ngoài… Đồng thời nâng cao hiệu quả về đầu tư công, kể cả các dự án ODA. Cắt giảm những dự án không hiệu quả và các dự án vay ưu đãi.
"Với tinh thần đồng hành cùng với DN, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách để hỗ trợ DN như giãn, hoãn các khoản thuế, cơ cấu lại các khoản nợ… Kể cả gói 26.000 tỷ đồng của Nghị định 68 vừa qua để hỗ trợ người lao động, DN sử dụng lao động, chung quy cũng là để hỗ trợ cho DN. Những chính sách này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho DN để có thể đạt được mục tiêu, kết quả của năm 2020 với xấp xỉ 3% GDP. Hiện nay tình hình vẫn đang rất phức tạp, các DN đang rất khó khăn. Chính phủ đã chỉ đạo việc tiếp tục cập nhật tình hình các DN để kịp thời kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu các giải pháp, chính sách tiếp tục để hỗ trợ khó khăn cho DN. Hiện nay Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành nghiên cứu các gói hỗ trợ tiếp theo." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
"Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông, thủy lợi, các dự án nước sạch, dự án mang tính liên kết vùng, trọng điểm, cấp bách… có sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời xem xét cơ chế chỉ định thầu đặc thù để tiết kiệm chi phí cho xã hội." - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) |