Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp thu tinh hoa, giữ gìn bản sắc

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Hà Nội lịch sự, văn minh. Truyền thống văn hóa đó có được là do người Hà Nội đã thu hút được tinh hoa văn hóa bốn phương, chọn lọc, nâng cao thành nét đẹp riêng có của mình.

Trong công việc, người Hà Nội tôn trọng học vấn, giàu tư duy sáng tạo, cần cù, có trách nhiệm. Trong quan hệ với cộng đồng, người Hà Nội nhường nhịn, tương thân tương ái.
Trong giao tiếp, người Hà Nội nền nã, khéo léo, tôn trọng người khác nhưng không đánh mất mình. Ở nơi công cộng, Người Hà Nội tôn trọng những tiêu chí chung, không để thói quen, sở thích riêng ảnh hưởng tới cộng đồng.
Quan hệ gia đình kính trên nhường dưới, giữ đạo đức, truyền thống gia phong, trọng sự thuận hòa. Trong ăn mặc, người Hà Nội thích sang diện nhưng giản dị, kín đáo, không lố lăng, khoe của. Trong ăn uống, người Hà Nội tinh tế, vừa phải, chú trọng thẩm mỹ, cách cư xử giữa con người với con người. Ngôn ngữ Hà Nội chọn lọc, trang nhã, không ăn tục nói bậy. Những nét đẹp đã trở thành truyền thống văn hóa đó, tuy cần điều chỉnh, loại bỏ những gì đã lạc hậu, nhưng về cơ bản vẫn là mục tiêu xã hội Việt Nam hiện đại cần hướng tới.
Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, đồng tiền chế ngự trong đời sống, sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa xã hội, tình trạng tăng dân số ồ ạt, không được kiểm soát đã làm phôi pha nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội. Tóm lại, do môi trường sống tác động và do ý thức của bản thân, khiến con người bị cuốn theo những yếu tố không tích cực. Một mặt, cũng do công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý chưa thường xuyên, tích cực nên nảy sinh nhiều tiêu cực trong giới trẻ.
Đó là lối nói xô bồ, kiểu nói lệch chuẩn, nhất là trong giới trẻ. Nếp sống văn minh đô thị không được coi trọng và người ta có thể xả rác bừa bãi bất cứ nơi nào. Tình trạng vi phạm pháp luật, vô cảm với người xung quanh diễn ra phổ biến. Sự gia tăng về lượng cũng như diễn biến phức tạp của các hiện tượng tiêu cực gần đây trong văn hóa ứng xử làm ảnh hưởng không nhỏ đến Thủ đô có bề dày truyền thống văn hóa.
Để xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, giúp duy trì và phát triển các giá trị sống tốt đẹp, Hà Nội đang xây dựng Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Hệ thống quy tắc ứng xử được xây dựng đảm bảo các giá trị văn hóa cơ bản của con người Việt Nam, cùng các giá trị và tinh thần Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như cộng đồng xã hội.
Bởi vì, theo điều tra của đơn vị tư vấn và triển khai Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, trên 60% người dân sinh sống tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội được hỏi không đồng ý với những cử chỉ lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự người khác, tự ý phá hủy cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. 55% số người được hỏi không đồng ý với những hành vi gây gổ đánh nhau, ghen ăn tức ở, dèm pha, không thu gom rác thải theo quy định… Còn tại nơi công cộng, trên 50% số người được hỏi không đồng ý với những vi phạm nội quy, quy định, lấn chiếm không gian công cộng, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, gây tiếng ồn nơi công cộng…
Dự thảo Quy tắc ứng xử trong khu dân cư đề cập đến cách ứng xử dành cho đại diện chính quyền và quy tắc dành cho người dân. Người dân cần hợp tác, chia sẻ; đúng mực, thẳng thắn; tôn trọng, bình đẳng; hưởng ứng, tham gia các hoạt động xã hội; bảo vệ cảnh quan môi trường.
Còn nơi công cộng được đề cập đến cả cách ứng xử dành cho cơ quan quản lý khu vực công cộng, dành cho đại diện cung cấp dịch vụ và dành cho người dân. Với người dân cần văn minh, lịch sự; tôn trọng; thân ái, chia sẻ; phê phán những hành vi vi phạm quy định; bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư đã hoàn thành và hiện nay, UBND TP Hà Nội đang xem xét để phê duyệt. Sau khi hoàn thiện, TP lựa chọn các quận, huyện, đơn vị để triển khai thí điểm mô hình văn hóa ứng xử đối với từng đối tượng, sau đó triển khai ra diện rộng.
 Để gìn giữ truyền thống văn hóa đất Kinh kỳ xưa, tiếp thu một cách có chọn lọc các luồng văn hóa mới, Hà Nội chú trọng xây dựng văn hóa Thủ đô với một bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước, trong đó việc xây dựng  Bộ quy tắc ứng xử là rất quan trọng và cấp bách. Xây dựng và phục hồi lối sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội là một cách độc đáo và có hiệu quả trong việc xây dựng trật tự đô thị, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp mà TP đã phát động.