Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục cấp Giấy khai sinh cùng với Thẻ căn cước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cán bộ Công an quận Ba Đình hướng dẫn người dân viết tờ khai làm Chứng minh Nhân dân. Ảnh: Hương Lan

Ngày 16/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo Công tác tư pháp quý III năm 2014. Tại đây nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được giải đáp như vụ việc công an xã dùng nhục hình đánh chết người, vi phạm quy trình tố tụng; có cấp Giấy khai sinh cho trẻ mới chào đời hay sử dụng Thẻ căn cước…

Theo Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL. Trong quý III năm 2014, Bộ Tư pháp đã thẩm định 77 dự thảo VBQPPL, góp ý 281 dự thảo văn bản, đề án. Tính đến ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 103/124 văn bản quy định chi tiết thi hành 41 luật, pháp lệnh, còn nợ 22 văn bản (17,7%), tỷ lệ nợ văn bản thấp nhất so với cùng kỳ các năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra VBQPPL cũng được tăng cường thực hiện thường xuyên.

 
Cán bộ Công an quận Ba Đình hướng dẫn người dân viết tờ khai làm Chứng minh Nhân dân. Ảnh: Hương Lan
Kinhtedothi - Cán bộ Công an quận Ba Đình hướng dẫn người dân viết tờ khai làm Chứng minh Nhân dân. Ảnh: Hương Lan
Tại buổi Họp báo, nhiều phóng viên cũng nêu ý kiến thắc mắc về việc Thông tư số 28/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự, trong đó, Điều 28 cho phép công an xã tham gia vào quá trình điều tra có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra và dẫn chứng vụ 4 công an xã đã dùng nhục hình đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận ở xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Đồng thời đặt ra câu hỏi điều này có phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho biết, điều này phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự và mục đích là nhằm cho phép công an xã tham gia vào một số hoạt động bảo vệ hiện trường ban đầu, đáp ứng thực tế điều tra tránh việc xóa dấu vết. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến sai lệch. Hiện Vụ Pháp luật hình sự hành chính cũng đang băn khoăn cân nhắc về vấn đề này và cần phải có thời gian đánh giá nhất định để đề xuất nếu có vướng mắc.

Cũng tại buổi Họp báo, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, về dự án Luật Hộ tịch chuẩn bị được trình Quốc hội thông qua, quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp là tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em. Cụ thể, Chính phủ đã có Công văn số 368/CP-PL ngày 8/10 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em, Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ 14 tuổi trở lên. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực cho biết, Căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân để phân biệt người này với người khác. Do vậy, việc cấp Thẻ căn cước nên cấp cho độ tuổi từ 14 trở lên, vì đây là độ tuổi các dặc điểm nhân dạng đã khá ổn định. Bên cạnh đó, việc bỏ Giấy khai sinh sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh.