Do đó, tại hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm hành động vì ATTP trong nông nghiệp tổ chức ngày 3/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu ngành và các địa phương tiếp tục "cuộc chiến" với chất cấm, kháng sinh.
Nhiều địa phương lơi là
Sau 4 tháng triển khai, đợt cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo được hiệu ứng tốt khi các ngành, địa phương đều có sự vào cuộc thường xuyên và quyết liệt. Bước đầu đã hình thành một số điểm bán nông, thủy sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi và xác nhận sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh về ATTP đã được nâng cao. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau đã giảm 48%, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%, ô nhiễm vi sinh trong thịt đã giảm 4% so với 9 tháng năm 2015.
Trong đợt cao điểm vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Qua đó, phát hiện và xử lý 13 công ty có sử dụng chất cấm Salbutamol và Auramine tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên…Đáng chú ý là vụ thu giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam (ở tỉnh Bắc Ninh) được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng có chứa Salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần. Mặc dù vậy, theo ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, TP. Hơn nữa, việc ngăn chặn, giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương. Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi được phát hiện trong đợt cao điểm tăng so với 9 tháng năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn giảm khả năng tiếp cận thị trường và sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Kiểm soát tận gốc
Trong 4 tháng qua, Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các chi cục thú y địa phương lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả đã phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (10,7%) dương tính với Salbutamol. Có một thực tế đáng lo ngại là việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn, khó triệt phá hơn. Trong khi đó, các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe, nên nhiều khả năng một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm.
Ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, theo thông tin nắm bắt được, một con lợn sử dụng chất cấm Salbutamol sẽ cho lãi thêm 500.000 – 1.000.000 đồng nên nếu không kiểm soát chặt, tình trạng sử dụng chất cấm sẽ phát sinh mạnh. Đến nay, dù đã cơ bản khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol ra thị trường nhưng đường dây nóng của Thanh tra Bộ đang có dấu hiệu bị “chùng” xuống khi mỗi ngày chỉ còn nhận được 1 - 2 cuộc điện thoại. Do đó, ông Việt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP cũng phải có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất.
Trước nhiều vấn đề về ATTP còn nổi cộm, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai cho đến hết năm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, với chất cấm không chỉ xử lý ở phần ngọn, giám sát ở trang trại, lò mổ mà phải truy ra nguồn gốc, từ đó xử lý triệt để . Ông Cao Đức Phát đề nghị, trong vòng 4 tháng tới đây, phải kiểm soát dứt điểm việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dư lượng thuốc BVTV trên rau, trái cây. Dự kiến, chiều hôm nay (4/3), Bộ NN&PTNT sẽ hội ý cùng đại diện các bộ, ngành để bàn kế hoạch triển khai “chiến dịch” này.
Lấy mẫu kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ Vinh Anh, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Bình Minh
|
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc BVTV, chất bảo quản trong rau, quả, chè; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong thịt, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh vật trong thịt giảm 10% so với năm 2015. |
Đánh giá chung, TP Hà Nội đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư và Bộ NN&PTNT trong đợt cao điểm vừa qua. Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân. Thời gian tới, đề nghị đối với quản lý Nhà nước cần rà soát, bổ sung chế tài xử lý vi phạm ATTP theo mức cao hơn. Đồng thời bổ sung cơ chế, trách nhiệm rõ ràng trong phối hợp giữa các bộ, ngành để triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt
Đại diện Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua, Sở đã lấy 1.368 mẫu nước tiểu tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn phát hiện 144 mẫu có chất cấm, chiếm 10%, giảm so với những tháng trước đây. Đáng tiếc là Sở thường xuyên thông tin cho các tỉnh, nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm phản hồi truy xuất nguồn gốc thực phẩm mất an oàn. Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh
|
Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT):
Cần sự phối hợp đồng bộ
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, qua trinh sát, nắm bắt thực tế được biết giá tạm thời nhập khẩu Salbutamol 98% của ngành y tế là 1,6 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán ra đến người chăn nuôi sử dụng là 15 triệu đồng/kg, lợi nhuận hơn cả ma túy!
Theo ông, tại sao thực phẩm bẩn vẫn còn lưu hành khá nhiều trên thị trường?
- Thứ nhất, thực trạng này một phần do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý hoặc có vào cuộc nhưng cách làm, xử lý không đến nơi đến chốn nên người vi phạm vẫn coi nhẹ. Thứ hai, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống. Năm nay, qua đợt cao điểm hành động vì ATTP, nhất là kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, chúng ta mới biết Salbutamol được phép nhập khẩu, sử dụng. Quản lý Nhà nước ở đây rất phản khoa học, nhiều bộ, ngành tham gia nhưng bên nào làm phần bên đó, không bên nào chịu trách nhiệm hết.
Vậy, kết thúc đợt cao điểm này, liệu vi phạm có tiếp tục bùng lên?
- Năm 2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa quản lý ATTP vào nhiệm vụ trọng điểm, thêm việc kiểm soát kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản và thuốc BVTV nhập lậu… Khó khăn hiện nay là lực lượng quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản còn mỏng, nghiệp vụ còn hạn chế nhất định. Do đó, để đảm bảo ATTP cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và người dân, nhất là người sản xuất.
Nhiều địa phương đánh giá, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý ATTP vẫn thiếu nhịp nhàng, gắn kết. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Như tôi đã nói, hiện nay có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản, song sự phối hợp còn có những điểm hạn chế nhất định. Muốn làm tốt từ khâu sản xuất đến tiêu dùng phải có sự phối kết hợp. Hiện nay đã có những đoàn thanh, kiểm tra liên ngành rồi, tuy nhiên trong nghiệp vụ chuyên ngành sâu phải có sự phối hợp chặt chẽ mới hiệu quả cao được.
Xin cảm ơn ông!
Thiện Quang thực hiện
|