Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục khai quật bãi cọc tại xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Quyết định khai quật khảo cổ khẩn cấp đối với 13 cọc gỗ phát hiện tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng cho phép Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Thời gian khai quật từ ngày 18/2/2020 đến ngày 31/3/2020, diện tích khai quật 400m2, chủ trì khai quật là Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, Viện Khảo cổ học.
Bãi cọc nhà ông Đào Văn Đến ở thôn Phi Liệt, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Trong thời gian khai quật khẩn cấp, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hải Phòng phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật.
Trước đó, theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, ngày 9/2/2020, gia đình ông Đào Văn Đến tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao sau khi tiến hành bơm nước để thu hoạch cá. Ngày 12/2/2020, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ và thấy rằng các cọc gỗ phát hiện tại khu vực ao này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn TP.
Hiện nay, khu vực phát hiện các cọc gỗ nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc đang là ao nuôi cá của hộ gia đình ông Đào Văn Đến. Một số cọc gỗ đã có dấu hiệu bị hủy hoại như: các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá, đặc biệt gia đình đang tiến hành hút bùn, cải tạo mặt đáy để nuôi cá.
Chính vì vậy, nếu không kịp thời tổ chức khai quật khẩn cấp thì những di tích cọc gỗ trên sẽ bị hủy hoại và không thể nghiên cứu đánh giá tổng thể trận chiến trên sông Bạch Đằng cũng như đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đối với các di tích cọc gỗ tại khu vực Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.
Ông Hoàng Văn Hiệp - một người dân sống cạnh nhà ông Đào Văn Đến cho biết: "Trước đây, trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp để trồng lúa, nhà ông cũng đào được khoảng 30 cây gỗ giống như ở ao nhà ông Đến hiện tại. Lúc đó chúng tôi cũng không biết cụ thể như thế nào, đến bây giờ vẫn còn lại một số khúc gỗ với đường kính khoảng 20cm và rất khó chặt vì gỗ quá chắc, chỉ có để lâu ngày nó mủn dần ra thôi chứ cũng không đun nấu được, ngày xưa những khu đất mà chúng tôi đang ở đều là những bãi đầm sình lầy".
Theo lãnh đạo xã Lại Xuân, cách đây một số năm trong quá trình làm dự án nuôi trồng thủy sản chính quyền xã đã đào được hàng chục khối gỗ có hình dáng tương tự như nhà ông Đến. Nếu đào xung quanh khu đất nói trên và đào sâu hơn nữa thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều cọc…”.
Tiến sĩ Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết; trong ngày mai (20/2) chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện từng bước để khai quật khu ao nhà ông Đến để tìm hiểu tất cả những dấu vết xung quanh vì để đưa và đóng những cái cọc đó xuống thì chủ đích ở đây là gì? Chúng tôi sẽ cùng với các nhà khảo cổ nhanh chóng nghiên cứu và làm rõ về những chiếc cọc này.