Như vậy, CPI đã có 3 tháng liên tiếp giảm, tính chung 5 tháng đã thấp hơn cùng kỳ năm trước và đem lại một số hiệu ứng tích cực. Người dân đỡ lo lắng hơn khi chi cho tiêu dùng, bởi giá lương thực năm trước đã giảm sâu (giảm 5,66%), 5 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm (giảm 1,62%). Giá thực phẩm năm trước tăng thấp (0,95%), sang năm nay, sau khi tăng cao vào 2 tháng đầu năm, từ tháng 3 đến nay đã giảm liên tục. Trên thực tế, tỷ trọng chi cho lương thực, thực phẩm chiếm gần 40% tổng chi cho tiêu dùng, nhưng đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo, tỷ trọng trên lên đến trên dưới 60%.
Một tác động tích cực khác từ việc CPI tăng thấp trong 5 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để có thể thực hiện được mục tiêu cả năm về lạm phát. Đây cũng là căn cứ để các nhà hoạch định chính sách và quản lý điều hành kinh tế vĩ mô có thể yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó đáng chú ý như có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước; Hạ lãi suất huy động, nhưng vẫn thực dương, hạ lãi suất cho vay, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản, mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối; Cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu nộp ngân sách; Tăng các khoản chi cho việc thực hiện các mục tiêu mà thời gian trước triển khai còn chậm, như tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược…
Khách hàng đang lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Hapro Giảng Võ. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực như trên, việc tăng thấp của lạm phát cũng có những hiệu ứng phụ không tích cực. Rõ nhất là sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng. Tăng trưởng kinh tế quý I tuy cao hơn cùng kỳ nhưng nông, lâm nghiệp - thuỷ sản và công nghiệp - xây dựng lại tăng thấp hơn. Thu ngân sách sau 4 tháng đạt thấp so với dự toán năm (29,9%), tăng thấp so với cùng kỳ năm trước và đều thấp hơn các con số của tổng chi. Bội chi ngân sách so với dự toán năm hiện ở mức 36,6%, cao hơn các tỷ lệ tương ứng của tổng thu, tổng chi, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu bội chi/GDP (4,8%). Một hiệu ứng phụ khác là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với trước và tuổi trẻ chiếm một nửa trong số này.
Có nhiều nguyên nhân làm cho CPI tăng thấp, bao gồm cả những nguyên nhân tích cực và những nguyên nhân không tích cực. Về nguyên nhân tích cực, nổi bật là việc kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trong việc điều hành, mặc dù có đề xuất kích cầu đầu tư, tiêu dùng, nhưng Chính phủ chỉ đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Mặc dù có đề xuất phá giá đồng nội tệ, nhưng Chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách ổn định, điều hành linh hoạt.
Một nguyên nhân tích cực khác là trong khi ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng - đó là biện pháp cơ bản để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, yếu tố giá cả quốc tế cũng có tác động không nhỏ. Cả năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, giá xuất khẩu đã giảm (năm 2012 giảm 0,54%, 3 tháng 2013 giảm 4,32%) và giá nhập khẩu đã giảm (năm 2012 giảm 0,33%, 3 tháng đầu năm 2013 giảm 0,13%).
Về nguyên nhân không tích cực, nổi bật là do thắt chặt tiền tệ, tín dụng đã làm cho tổng cầu bị sụt giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm liên tục và tương đối nhanh trong mấy năm nay. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách giảm từ 19,3% xuống 17,4%; Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ thấp hơn tốc độ tăng GDP.
Tăng trưởng tín dụng - yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát, tiếp tục tăng thấp (2,11%), thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng của huy động. Tiền từ ngân hàng ra lưu thông tăng thấp hơn tiền từ lưu thông vào ngân hàng đã làm giảm áp lực đối với lạm phát nhưng đó cũng là yếu tố quan trọng làm cho nền kinh tế đứng trước nguy cơ bị suy giảm tăng trưởng, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng.
Từ năm 2011 trở về trước, việc kiềm chế lạm phát thường bị động, các giải pháp đề ra thường mang tính chất hành chính, tình thế, rất dễ từ cực đoan này sang cực đoan khác, như ngăn chặn (khi lạm phát cao), hoặc nới lỏng tài chính - tiền tệ (khi lạm phát thấp với các hiệu ứng phụ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến lao động việc làm). Từ năm 2012 đến nay, cụm từ "kiềm chế lạm phát theo mục tiêu" đã xuất hiện. Tuy nhiên, bài học này cần được tiếp tục hoàn thiện để đạt hiệu quả cao hơn và sử dụng để phân tích về diễn biến lạm phát 5 tháng qua cũng như áp dụng cho những tháng còn lại của năm 2013. |