Kết quả cho thấy, trong vòng 1 tuần đầu tiên đã có 3.785 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý. |
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết: Xử lý vi phạm đối với nồng độ cồn luôn gặp những khó khăn hơn so với những hành vi vi phạm khác.
Bởi, khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu rồi thì năng lực, hành vi của họ đều hạn chế. Họ thường tìm đủ các lý do để biện minh hành động của mình, không chịu chấp hành quy định kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng rất nỗ lực, tích cực giải thích, vận động, hướng dẫn, tuyên truyền cho người vi phạm hiểu và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là về những quy định mới về nồng độ cồn.
Cục Cảnh sát giao thông đã có công điện chỉ đạo công an các tỉnh, TP tăng cường lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ để đề phòng các hành vi chống đối lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ.
Về kế hoạch trong thời gian tới, liệu có sự giảm nhẹ trong dịp Tết Nguyên đán, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, lực lượng cảnh sát giao thông đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt với những vi phạm về nồng độ cồn.
"Lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo kiên quyết xử lý nồng độ cồn xuyên suốt trong năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ liên tiếp có những đợt cao điểm, chuyên đề để kiểm soát nồng độ cồn trong năm, đặc biệt trước mắt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu Xuân năm 2020", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.
Với những thông tin, hiện nay một số lái xe đã trang bị máy xóa nồng độ cồn, hoặc trên mạng xã hội đang quảng cáo về một số loại được coi là thuốc có thể "đánh bay nồng độ cồn", Thượng tá Nhật đánh giá: Người lái xe phải thực sự tỉnh táo khi tham gia giao thông, và hãy nhớ "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Không có thiết bị nào có thể đánh bay nồng độ cồn ngoài ý thức của chúng ta.