Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết chế sự "buông thả"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong văn học Việt đương đại, các "nàng văn" thực sự được "cởi trói" để thỏa sức sáng tác. Thế nên, cả những vấn đề nhạy cảm như tình dục, giới tính cũng trở thành đề tài hấp dẫn các cây bút nữ đương đại. Song dường như do không có sự tiết chế, nên văn chương ở góc này trở nên trần trụi, khó chấp nhận…

Từ  “cởi trói” đến “nổi loạn”

Từ sau năm 1986, các tác giả nữ Việt Nam đã thực sự bước qua nỗi ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé nhỏ trong văn học truyền thống. Họ dùng ngôn ngữ như một phương tiện hữu hiệu để tìm lối thoát, vén bức màn bủa vây u ám, để khẳng định vai trò của nữ giới trong đời sống và nghệ thuật. Những Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh... đã sớm thành danh với những giải thưởng trên các báo và tạp chí có uy tín, cũng như giải thưởng của các hội nghề nghiệp. Đáng nói hơn, sáng tác của họ đã tạo ra dư luận, gây được sự chú ý của độc giả. Trong đó, được quan tâm hơn cả là các sáng tác về đề tài sex.

Tiết chế sự "buông thả" - Ảnh 1

Song, như nhà nghiên cứu Lê Hương Thủy, Viện Văn học Việt Nam nhận định, viết về bản năng, tình dục, giới tính cũng là một khuynh hướng đáng chú ý của các cây bút nữ đương đại. Nếu như trước đây, người sáng tác thường né tránh mảng đề tài này, thậm chí bị coi là cấm kỵ, nhất là các nhà văn nữ, thì giờ đây lại xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của các "nàng văn" trẻ. Với các cây bút nữ trẻ hiện nay, không có đề tài nào bị coi là cấm kỵ. Vì thế, sex và những vấn đề thuộc về bản năng, giới tính xuất hiện ngày càng nhiều trong các sáng tác của họ. Nhiều nhân vật nữ trong văn xuôi được xây dựng như những cá nhân đầy bản lĩnh với ý thức chiếm lĩnh, sống hết mình, thậm chí tận hiến. Trong sáng tác của họ xuất hiện hình tượng người phụ nữ nổi loạn, bộc lộ bản năng thầm kín của giới nữ với những nỗ lực để đạt được cái mình muốn. Có thể kể đến các tác phẩm "Cát đợi", "Mùa đông ấm áp", "Mùa thu vàng rực rỡ" của Nguyễn Thị Thu Huệ; "Thị trấn hoa quỳ vàng" của Trần Thùy Mai; "Chợ rằm trước gốc dâu cổ thụ" của Y Ban… Tuy nhiên, đề tài tình yêu có lúc lạm phát trong sáng tác của các cây bút nữ, trong đó không ít tác phẩm coi tình dục là cứu cánh. Có những cây bút mới vào nghề đã coi sex như một yếu tố để gây sự chú ý của độc giả, như "Sợi xích" của Lê Kiều Như...

Tiết chế sự "buông thả" - Ảnh 2

Thức tỉnh

Hiện tượng lạm dụng đề tài sex trong một bộ phận không nhỏ nhà văn nữ hiện nay khiến độc giả mệt mỏi và chán. Thế nên, không chỉ người trong giới văn chương cho rằng cần phải thức tỉnh các "nàng văn" để họ "tỉnh táo và tiếp tục viết" (ý kiến của nhà văn Y Ban). Điều mà tất cả các nhà văn, nhà nghiên cứu có mặt trong cuộc tọa đàm "Văn nữ trong bối cảnh Văn học Việt Nam đương đại" (diễn ra ngày 29/11) quan tâm là làm thế nào để ngăn chặn những cuốn sách có nội dung thô thiển. Nhà văn Y Ban chia sẻ: "Khi sáng tác, nhà văn thường hay lú lẫn. Bản thân tôi cũng có hai tác phẩm bị tịch thu. Mọi người đã chú ý đến vấn đề này chưa, hay chỉ là dư luận một chiều, gần như không có viện sĩ, thạc sĩ nào lên tiếng. Hay vì nhạy cảm mà không vào cuộc? Tôi cần một "cú đập vào mặt" một cách có học để tỉnh táo và tiếp tục viết. Nữ nhà văn buông thả trong sáng tác vì đôi khi không có ai chặn mình lại".

Đồng tình với quan điểm đó, PGS.TS Hà Công Tài, Viện Văn học Việt Nam cho rằng: "Lâu nay, các nữ nhà văn cứ sáng tác tùy ý, ngòi bút tự do tung hoành. Đôi khi vì muốn được nói lên những nỗi niềm thầm kín mà tác phẩm trở nên trần trụi. Chúng ta cần định hướng để các nữ nhà văn hiểu được yếu tố sex không phải là yếu tố chính để làm nên tác phẩm hay".