Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 28/8.
Đeo bám khách có mặt ở hầu hết các địa phương
Thời gian qua, mặc dù lãnh đạo các tỉnh, TP nơi có những trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hạ Long, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã cố gắng xử lý tình trạng đeo bám khách du lịch nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và thường bùng phát khi du lịch vào "mùa" cao điểm.
Ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở VHTT&DL Hải Phòng cho rằng: "Giá trị tài sản mà khách du lịch bị lừa đảo không lớn, nhưng nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh quốc gia và môi trường du lịch Việt Nam".
Theo Tổng cục Du lịch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vấn đề an sinh xã hội tại các điểm du lịch chưa được giải quyết tốt, đặc biệt là các đối tượng ăn xin, bán hàng rong, vô gia cư chưa được quản lý; Đây là những đối tượng trực tiếp gây nên tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch. Bên cạnh đó, việc quản lý điểm đến và hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu định hướng, chưa được chú trọng cũng là nguyên nhân để tệ nạn này có "đất sống".
Cảnh chèo kéo khách quốc tế diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).Ảnh: Hoài Nam
Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, sở dĩ khó dẹp được tình trạng chèo kéo, lừa đảo khách du lịch còn do sự phối hợp giữa các ban, ngành hữu quan tại các địa phương trong giải quyết các vấn nạn này còn chồng chéo. Ngay việc phân định trách nhiệm, quy định xử phạt mỗi ban ngành cũng khác nhau, điều này đã gây khó khăn cho việc xử lý như "để kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của taxi phải phối hợp nhiều lực lượng kiểm tra, nếu chỉ một đơn vị kiểm tra sẽ không chính xác và không đủ thẩm quyền quyết định" - ông Dũng nêu ví dụ.
Cần phối hợp đồng bộ
Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng đeo bám, lừa đảo khách du lịch không chỉ dựa vào lực lượng thanh tra du lịch mà cần sự phối hợp giữa các ban ngành.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu vấn đề: Nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhất thiết phải thành lập cảnh sát du lịch... Nếu khó tăng biên chế, có thể giao cho lực lượng 113 chức năng xử lý các vi phạm liên quan đến du khách.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng, không nhất thiết phải có cảnh sát du lịch, song cần có lực lượng chuyên trách trực thuộc Sở VHTT&DL làm tốt công tác bảo vệ du khách, đơn giản như khi có đoàn khách đi trên đường, lực lượng bảo vệ có thể giơ tấm biển báo ưu tiên cho du khách.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, trong thời gian tới cần thành lập các tổ, nhóm công tác liên ngành tại các trung tâm du lịch để kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm tại các trung tâm du lịch theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, để có thể giải quyết triệt để tình trạng này, các Sở VHTT&DL và Hiệp hội Du lịch địa phương cũng cần tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, công bố đường dây nóng phản ánh vi phạm tại các địa phương và liên hệ chặt chẽ với Tổng cục Du lịch trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phải có các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, triển khai ký kết giữa các doanh nghiệp cam kết không vi phạm để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, có các hình thức phổ biến thông tin quảng bá, khuyến khích các cơ sở có chất lượng dịch vụ tốt./.
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám, lừa gạt khách du lịch trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 656/UBND-VP yêu cầu các đội nghiệp vụ và công an các quận, phường duy trì thường xuyên, liên tục, xử lý dứt điểm các trường hợp bán hàng rong đeo bám, trộm cắp đồ... của khách du lịch. |