4 đề xuất thúc đẩy tăng trưởngVinh dự là nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2017, các sự kiện diễn ra tại Hà Nội những ngày cuối năm 2016 là cơ hội để các đại biểu thảo luận và thông qua những ưu tiên, hoạt động chính của Năm APEC 2017 tại Hội nghị SOM 1 diễn ra vào tháng 3/2017. Phát biểu tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng để “cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020” vì một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.Trong bối cảnh các nền kinh tế, các khu vực đều đang phải đối mặt với những thách thức đan xen, đa chiều, nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, bảo đảm tăng trưởng chất lượng và liên kết khu vực.
Để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay thông qua đẩy mạnh hợp tác với tầm nhìn dài hạn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, đây chính là lúc APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra 4 đề xuất: Thứ nhất, cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thứ hai, cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. Tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN, TPP, RCEP và FTAAP. Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, APEC cần hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ tư, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, chúng ta cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và liên kếtTối 8/12, tại Đối thoại với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” được tổ chức tại Hà Nội. Đối thoại có sự tham dự của 300 đại biểu các tổ chức quốc tế và khu vực, các nền kinh tế thành viên APEC, cùng gần 100 đại biểu đại diện các phòng thương mại, hiệp hội, DN từ các nền kinh tế thành viên APEC và Việt Nam. Diễn giả chính của Đối thoại là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard; Giám đốc Ban Thư ký quốc tế của Hội đồng tư vấn DN APEC (ABAC) Antonio Basilio; đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF).
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, các diễn giả và các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi về các kế hoạch đầy tham vọng của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, bàn thảo các giải pháp nhằm tăng hợp tác, liên kết giữa cộng đồng DN với chính quyền, người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cộng đồng DN châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có các DN thành viên APEC đã có đóng góp rất quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đến nay, đầu tư trực tiếp của các nền kinh tế APEC vào Hà Nội đạt trên 3.300 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD, chiếm 90% tổng số dự án và tổng vốn FDI trên địa bàn TP, đứng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Đặc biệt, tính riêng trong năm 2016, các nhà đầu tư trong khối APEC đã đầu tư vào Hà Nội gần 400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD.Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, các dự án đầu tư của các DN APEC không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của TP mà còn tạo ra nhiều việc làm, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao góp phần cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân Thủ đô, tạo điểm nhấn trong diện mạo đô thị hiện đại của Hà Nội.Trong xu hướng mở cửa hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư, làm ăn kinh doanh. Với quyết tâm khẳng định vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, một động lực tăng trưởng và liên kết của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả Việt Nam, Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chính quyền TP xác định luôn cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cụ thể về thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai, điện năng, thủ tục thuế, thủ tục hải quan điện tử… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư và DN. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã công bố danh mục 52 dự án PPP, 43 dự án xã hội hóa để giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước với định hướng là ưu tiên các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao; khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực CNTT, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và phát triển,…Tại Đối thoại, bà Monica Hardy Whaley - Chủ tịch Trung tâm Quốc gia vì APEC Mỹ đã bày tỏ ấn tượng trước sự thay đổi của Hà Nội sau 10 năm bà tham gia Hội nghị APEC được lần đầu tổ chức tại Việt Nam cách đây 10 năm và đề nghị Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ về kế hoạch xây dựng Thủ đô thành TP thông minh, TP bền vững. Các diễn giả và quan khách dự Đối thoại đã nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch đầy tham vọng xây dựng TP thông minh và bền vững của chính quyền Hà Nội, đồng thời khẳng định sẽ sát cánh cùng cộng đồng DN, lãnh đạo Thủ đô thực hiện kế hoạch này.
"Thủ đô Hà Nội sẵn sàng chào đón và luôn tạo dựng một môi trường hợp tác cùng phát triển với các DN và hy vọng ngày càng nhiều đối tác APEC xem Hà Nội là điểm đến tin cậy để hợp tác, đầu tư vì sự thịnh vượng chung." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |