Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp hữu hiệu, tạo động lực phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, 3/12, trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội đã nghe báo cáo và thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội của TP năm 2012, nhiệm vụ 2013.

 
Trong năm 2013, TP đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng từ 8,0 - 8,5%; trong đó, dịch vụ 9,0 - 9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7 - 8,2%, nông nghiệp 1,8 - 2,2%, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 15,0 - 16,5%, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa: 9,0 - 10,0%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 100% dự toán T.Ư giao...
Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chưa đạt  mục tiêu nhưng vẫn ở mức cao, đạt 8,1%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 1,55 lần. Một vấn đề được đặt ra cho năm 2013 là, ngoài các giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài, TP cần tính đến những giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…

Tăng trưởng đạt 8,1%, cao gấp 1,55 lần mức chung cả nước

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực và quyết tâm cao nhất của các cấp bộ Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô, kinh tế duy trì tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,1%.
 
 
Mức tăng này thấp hơn năm 2011 (10,14%) và chỉ tiêu kế hoạch (10 - 10,5%), nhưng xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cao gấp 1,55 lần so với mức tăng của cả nước.
 
 
Tìm giải pháp hữu hiệu, tạo động lực phát triển - Ảnh 1
  
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XIV.Ảnh: Thanh Hải
 
 
Tuy nhiên, năm 2012, hàng tồn kho nhiều, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng. Nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt...
 
Phải ghi nhận những nỗ lực của Thành phố

Một trong những thành quả nổi bật của Hà Nội trong năm 2012 là góp phần kiềm chế được lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. TP tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, giá cả ổn định, hợp lý. Cùng với đó, công tác giải quyết đơn thư  đã rất tích cực, không có điểm nóng phát sinh… Từ đó có thể rút ra những bài học cho việc điều hành của TP trong năm 2013. - Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt 
 
Tăng sức mua, gỡ khó cho doanh nghiệp

Năm 2013, đánh giá của thế giới, thị trường tiêu dùng ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng vào thời điểm này vẫn chưa đến mức "u ám". Có chăng chỉ là sự chuyển dịch cơ cấu mua sắm, những trung tâm hàng hiệu giảm khách, trong khi các cửa hàng bình dân, hàng hóa trung bình và rẻ tiền đắt khách hơn. Vì vậy, TP cần có những giải pháp khuấy động thị trường, tăng sức mua trở lại, từ đó góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. - ĐB Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội

Kiểm soát hàng nhập lậu để cứu doanh nghiệp

Con số trên 12.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể có nguyên nhân hàng tồn kho nhiều do không thể cạnh tranh với hàng nhập lậu. Trong giải pháp năm 2013 của TP, ngoài tập trung kiểm soát gian lận thương mại, cũng cần phải thêm cả kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, phải để hàng hóa Việt Nam tiêu thụ được ở thị trường Việt Nam, đó mới là giải pháp tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. - ĐB Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
 
Cùng với đó, kéo theo công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Lãi suất ngân hàng còn ở mức cao đã hạn chế mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng gia tăng, dễ tạo sự bất ổn định của hệ thống tài chính tín dụng (tính đến 30/9/2012 là 4,11% tổng dư nợ). Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở một số nơi có biểu hiện buông lỏng. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp vẫn xảy ra....

Trong số 15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu Nghị quyết HĐND TP giao, chỉ có 5 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu đạt, còn 10 chỉ tiêu chưa đạt, thuộc cả 3 nhóm: Kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ quan là do trong lãnh đạo, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực còn chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo.
 
Chỉ tiêu thu ngân sách thấp do kinh tế khó khăn, sản phẩm tồn kho ở mức cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng và thực hiện giảm, giãn thu tiền thuế, tiền thuê đất...
 
 
Tìm giải pháp hữu hiệu, tạo động lực phát triển - Ảnh 2
Năm 2013, cùng với việc duy trì tăng trưởng kinh tế, Hà Nội tiếp tục đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Vietnam, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.Ảnh: Thanh Hải
 

Giải pháp, mục tiêu cần cụ thể

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đa số các ĐB đồng tình với các nhóm giải pháp cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà UBND TP đề ra. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, cần phải chỉ rõ nguyên nhân vì sao không đạt được các chỉ tiêu đề ra, cái nào do khách quan, cái nào do chủ quan để quy trách nhiệm cụ thể. Từ đó làm căn cứ, cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu cho năm 2013. ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: "Các chỉ tiêu năm 2013 được đưa ra đều rất chung chung, định tính...”. Đồng quan điểm, ĐB Hồ Quang Lợi (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, chỉ có phân tích sâu, toàn diện các nguyên nhân mới đưa ra được chỉ tiêu phù hợp cho năm 2013, còn nếu các mục tiêu đưa ra không sát, cuối cùng chỉ là đưa ra để hướng đến, phấn đấu chứ không phải để thực hiện.

Theo một số ĐB, ngay việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong thời gian qua cũng chưa đúng chỗ như nhu cầu nhà ở xã hội rất cao lại thiếu, trong khi nhà ở cao cấp quá nhiều, không bán được. Do đó, phải chọn "điểm", trong đó tập trung vào hỗ trợ cho các đơn vị giúp giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tăng thu cho TP. Đưa ra tình trạng doanh nghiệp “ốm yếu”, phá sản do thiếu vốn, hàng tồn kho lớn, ĐB Nguyễn Thị Như Mai (quận Tây Hồ) cho biết: Giải pháp số một là  phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho. TP đã quyết tâm, nhưng cần đồng bộ và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Một vấn đề quan trọng được các ĐB cũng như lãnh đạo TP nhấn mạnh là tăng đầu tư cho các các vấn đề an sinh xã hội, bổ sung chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, TP sẽ điều hành và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, nhất là tại các khu đô thị mới; giám sát trật tự xây dựng đô thị, kiên quyết xử lý nhà không phép, sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa
bàn...
 
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cả năm 2012 ước đạt 10.304 triệu USD, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 6,8%. Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tăng khá, đạt 9% - cao nhất trong các khu vực kinh tế, khu vực ngoài Nhà nước tăng 3,6%, khu vực Nhà nước tăng 2,6%.