Trong khi kênh đầu tư vào vàng được nhận định là có nhiều rủi ro thì kênh gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn. Vàng vẫn… lạnh! Theo thống kê, giá vàng tháng 8 so với tháng 12/2013 đã tăng 2,31%. Đây là tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng giá tiêu dùng (tăng 1,84%), tốc độ tăng giá USD (tăng 0,42%) trong cùng thời gian. Tuy nhiên, so với đỉnh điểm đã đạt được trước đây (trên 49 triệu đồng/lượng), thì giá vàng đã giảm rất sâu. Có 2 nhóm yếu tố tác động đến giá vàng, đó là các yếu tố trên thế giới và các yếu tố ở trong nước. Trên thị trường thế giới mặc dù có những phiên tăng nhưng nhìn chung xu hướng giá vàng giảm là chủ đạo. Xu hướng này được tạo ra chủ yếu do tăng trưởng kinh tế năm 2014 có dấu hiệu được dự báo là cao hơn 2 năm trước của toàn thế giới cũng như ở hầu hết các khu vực, từ các nền kinh tế phát triển đến các nền kinh tế mới nổi. Đối với Mỹ, nhờ tăng trưởng kinh tế cao lên, thị trường lao động phục hồi, số nhà xây mới tăng, chứng khoán tăng khi S&P500 lập kỷ lục và chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng đạt gần mức cao nhất... khiến lượng vàng bán ra tăng mạnh, gây sức ép đẩy giá vàng giảm xuống dưới 1.287 USD/ounce - mốc trung bình trượt 200 ngày được nhiều người đặt làm mốc bán cắt lỗ. Giá vàng đã giảm khá mạnh ngay sau khi biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Quỹ dự trữ liên bang FED được công bố - cho thấy dấu hiệu về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với dự đoán của nhiều người trước đây. Cùng chiều tác động của các yếu tố trên là sự tăng lên của giá USD so với 6 đồng tiền chính trên thế giới. Mà giá vàng tính bằng USD, nên khi giá USD tăng thì giá vàng giảm. Trong khi đó, vàng ở trong nước chủ yếu có từ nhập khẩu, nên giá vàng phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng thế giới. Ngoài ra, giá vàng ở trong nước còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố khác. Yếu tố tác động rõ nhất là lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp sau 8 tháng và dự báo cả năm sẽ tăng thấp nhất so với 10 năm trước đó. Lạm phát thấp sẽ làm cho đồng tiền không bị áp lực tìm nơi trú ẩn là vàng và ngoại tệ. Một yếu tố khác là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay ở mức khá cao (từ 3,7 - 4 triệu đồng/lượng). Việc giảm mạnh giá vàng trong năm 2013 ít nhiều vẫn ám ảnh nhiều nhà đầu tư vào loại hàng hóa đặc biệt này. Việc mua vàng hiện nay chủ yếu là do thói quen để dành. Từ các yếu tố trên, có thể khuyến cáo là không nên đầu tư vào vàng trong thời gian tới; thậm chí, các nhà đầu tư còn có thể bán để đầu tư vào kênh khác có lợi hơn. Lựa chọn gửi tiết kiệm Một số ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm trong những ngày cuối tháng 8. Hiện, lãi suất huy động của các ngân hàng phổ biến ở mức 5,4%/năm, trong khi năm 2013 vẫn ở mức 6,8%/năm (năm 2012 là trên 9%/năm). Với những nhận định lãi suất sẽ khó có thể tăng trong thời gian tới, khiến người gửi tiền tiết kiệm buộc phải cân nhắc khi lựa chọn. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể hơn, hiện lãi suất huy động của các kỳ hạn dài vẫn ở mức xấp xỉ 7%/năm và người gửi ở kỳ hạn ngắn đã đến ngày đáo hạn cũng được các ngân hàng tự động gia hạn thời gian gửi với lãi suất tại thời điểm ban hành. Vì vậy, dù lãi suất có xu hướng giảm, song nếu gửi dài hạn thì người gửi tiết kiệm vẫn có lợi. Đại diện một số ngân hàng cho biết, sau thời điểm giảm lãi suất huy động, lượng người gửi tiền không giảm mà chỉ thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Ngoài ra, việc đa số các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có báo cáo tài chính thuận lợi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng... đang tạo lực đẩy cho VND. Do đó, gửi tiết kiệm bằng VND được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và có lợi hiện nay.