Các ngân hàng tăng lãi suất các kỳ hạn dài, huy động trái phiếu... để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước
Tăng lãi huy động, phát hành trái phiếu
Bước vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng từ khối quốc doanh, thương mại cổ phần và ngay cả những ngân hàng có vốn nước ngoài đều đang có một sự cạnh tranh khốc liệt huy động vốn. Từ đầu tháng 10 đến nay, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, khiến hoạt động huy động vốn càng trở nên cạnh tranh quyết liệt. Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà tại các ngân hàng lớn, cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng đã bắt đầu với mức lãi suất bình quân là 5,5% - 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 6 tháng và 7% - 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Trong khi đó, khách hàng gửi tiền luôn có xu hướng rút tiền vào những tháng cuối năm để kinh doanh ngắn hạn hoặc chi cho tiêu dùng, sửa nhà cửa, nên các ngân hàng phải phát hành trái phiếu.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet |
VietinBank đã phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong đợt 1 chào bán ra công chúng từ ngày 25/10 đến 13/11/2017. Đợt 2 diễn ra từ 22/11 đến 12/12/2017 với 2.200 tỉ đồng trái phiếu cũng ở kỳ hạn 10 năm với lãi suất thả nổi. Trướcđó, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chào bán thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn 10 năm. Đây là loại chứng khoán không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, lãi được thanh toán sau hằng năm là 7,57%. Không chỉ có những ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng lựa chọn phương án này để thu hút nguồn vốn dài hạn, như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), LienVietPostBank để tăng cường vốn trong thời gian qua.... Ngoài trái phiếu DN, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ quỹ trái phiếu với lãi suất lên tới 8%/năm.
Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 45% theo quy định kể từ đầu năm 2018. Mặc dù dữ liệu thống kê của NHNN cho thấy tỷ lệ này của toàn ngành đã giảm so với đầu năm nay nhờ các ngân hàng đã tích cực tăng cường huy động vốn trung, dài hạn trong thời gian qua, nhưng thực tế tỷ lệ này tại một số ngân hàng vẫn xấp xỉ ở mức 45-50%, nhất là những ngân hàng tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân với kỳ hạn dài. Việc phát hành trái phiếu thành công sẽ bổ sung nguồn vốn đáng kể cho các ngân hàng.
Đồng loạt tăng vốn
Trong năm 2017, tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM sụt giảm nhanh.
Thông tư 19 về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cũng được sửa đổi, bổ sung cấu phần và cách xác định cấu phần vốn tự có, hệ số rủi ro của một số khoản phải đòi.
Theo dự thảo từng được công bố trước đó, NHNN sẽ quy định mới cấu phần tính vốn cấp 2 bằng việc loại trừ phần nợ thứ cấp do TCTD khác phát hành. Những trường hợp tăng vốn cấp 2 theo cách này nay không được tính vào sẽ cần nhanh chóng bổ sung thêm để đảm bảo hệ số CAR tối thiếu 9%. Cùng đó, hệ số rủi ro khi tính CAR đối với một số khoản mục dự kiến cũng có thay đổi như các khoản phải đòi TCTD, chi nhánh NH nước ngoài khác từ 20% lên 50%, để đảm bảo tính minh bạch trong việc cho vay lẫn nhau giữa các TCTD.
Thống kê của NHNN cho thấy hệ số CAR của toàn ngành đã tiếp tục suy giảm kể từ đầu năm đến nay khi vốn tự có tăng theo không kịp so với tốc độ tăng tổng tài sản, mà trong đó dư nợ tín dụng tăng mạnh. Đáng lưu ý là hệ số CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang tiến về cận kề mức quy định 9% nếu như thời gian tới không thể tăng thêm vốn, điều này đồng nghĩa với hoạt động cho vay sẽ bị chững lại.
Ngày 17/11, NHNN có Quyết định số 2410/QĐ- NHNN về việc sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của HDBank, ghi nhận mức vốn điều lệ mới là 8.828 tỷ đồng, sau khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trước HDBank, nhiều ngân hàng khác cũng đã đồng loạt tăng vốn, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) tăng thêm 1.647 tỷ đồng lên mức 15.706 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng thêm 1.882 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), cùng với việc thị trường chứng khoán khởi sắc thì lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh chính là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng Việt Nam đồng loạt tăng vốn, gia tăng năng lực tài chính.
Theo quan sát của Công ty Chứng khoán Bảo Việt BVSC, các ngân hàng cổ phần tư nhân có lợi thế hơn ở hệ số CAR. Các NHTM gốc quốc doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn. Vietcombank, BIDV, Vietinbank chưa thành công trong việc tìm đối tác chiến lược cũng như không được tạo nhiều điều kiện để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn trong năm 2017.
Theo BVSC, việc tăng vốn được coi là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng hiện nay vì nếu không tăng được vốn, các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng trong các năm sắp tới khi hệ số CAR suy giảm. BVSC cho rằng tăng vốn sẽ là một trong những câu chuyện trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018, đặc biệt là các NHTM cổ phần gốc quốc doanh như VCB, CTG, BID.