Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lời giải cho cảnh “chợ chiều”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dạo qua hầu hết các nhà triển lãm ở Hà Nội, không khó để nhận thấy một điểm chung, đó là không khí vắng vẻ và trầm lắng. Triển lãm gần như chỉ đông người xem vào những buổi khai mạc nhờ có khách mời, sau đó là cảnh "chợ chiều" tiếp diễn cho đến khi kết thúc.

Đìu hiu

Từ đầu năm tới nay, rất nhiều triển lãm nối tiếp nhau tại các địa điểm 29 Hàng Bài, 16 Ngô Quyền, 45 Tràng Tiền, 93 Đinh Tiên Hoàng… Nhưng sau ngày khai mạc, hầu hết các triển lãm đều vắng khách tham quan. Đây là thực trạng đáng buồn, bởi nhiều triển lãm có ý nghĩa đã không đến được với công chúng, không được người xem quan tâm.

Triển lãm ảnh "Nét đẹp văn hóa gia đình người Hà Nội" diễn ra 10 ngày (21 - 30/9) tại Nhà thông tin triển lãm thành phố (45 Tràng Tiền), nhưng chỉ lác đác 1 - 2 khách nước ngoài đến "ngó qua". Nơi thu hút nhiều người nhất không phải là những bức ảnh trưng bày - linh hồn của triển lãm, mà là bàn đọc báo. Khung cảnh triển lãm tại tầng 1 thật buồn lòng, nếu không muốn nói là lộn xộn: Không có hướng dẫn viên lẫn nhân viên nhà triển lãm, chứ chưa nói đến người của ban tổ chức hay tác giả ảnh.

Tìm lời giải cho cảnh “chợ chiều” - Ảnh 1

Những người đến triển lãm “Nét đẹp văn hóa gia đình người Hà Nội”   tại 45 Tràng Tiền chủ yếu để xem báo.   

Triển lãm "Những sắc màu Mexico" diễn ra tại 29 Hàng Bài trong 3 ngày 14 - 16/9, rồi "Những khoảnh khắc đáng nhớ" tại 93 Đinh Tiên Hoàng cuối tháng 8 vừa rồi… cũng chung tình trạng trên. Những triển lãm diễn ra tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật thành phố (16 Ngô Quyền) hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học), Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền), Viện Goethe Hà Nội (56 - 58 Nguyễn Thái Học)… cũng không rôm rả hơn là bao.

Đi tìm lời giải

Lý giải cho cảnh đìu hiu của các triển lãm nghệ thuật, ông Nguyễn Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, quảng cáo trước và trong triển lãm không được chú trọng. Nhiều triển lãm diễn ra trong thời gian ngắn, khi công chúng biết đến thì đã kết thúc. Mặt khác, nhiều triển lãm có nội dung chưa thực sự gần gũi với đời sống và đáp ứng được thị hiếu của công chúng nên họ không mặn mà. Hơn nữa, có những triển lãm được tổ chức tại nơi ít người biết đến cũng khiến nó mất đi lượng khán giả lớn".

Địa điểm tổ chức triển lãm cũng là yếu tố quan trọng để thu hút người xem. Nếu triển lãm diễn ra tại một địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa… sẽ gần gũi với công chúng hơn, được nhiều người quan tâm hơn. Triển lãm ảnh "Văn hóa của mình - Đối thoại không gian mở" do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ hồi tháng 4 vừa qua là một ví dụ. Bất kỳ ai khi đi qua khu vực này dù không chủ ý cũng nán lại ngắm nhìn 150 bức ảnh được trưng bày. Trong khi đó, nếu nó được tổ chức tại một không gian kín, chắc chắn người xem tìm đến không thể nào bằng. Hay gần đây, cuộc triển lãm, hội chợ sách quốc tế tại Việt Nam lần thứ 4 (từ 17 - 21/9) đã bất ngờ thu hút đông người tham dự từ ngày khai mạc cho tới ngày cuối cùng. Bởi lẽ, tới đây người xem không chỉ ngắm các trưng bày, mà còn có thể mua những cuốn sách hay. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng cuộc triển lãm này cùng lúc đáp ứng nhiều nhu cầu của đời sống, nên có thể hút khách?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Cường, người đã từng tổ chức thành công nhiều triển lãm ảnh tại Việt Nam và Bungari chia sẻ: "Để thu hút được đông đảo người xem, ngoài việc bản thân triển lãm phải có "sức nặng", còn cần được tuyên truyền, quảng bá trước khi khai mạc. Tuy nhiên, để làm được điều này phải cần khoản kinh phí rất lớn". Còn theo ông Nguyễn Bằng Lâm, ban tổ chức các triển lãm trước đây thường chỉ mời các vị lãnh đạo, những đối tượng có liên quan, nên sức lan tỏa hạn chế. Do đó, cần phải mở rộng đối tượng khách mời. Mặt khác, ban tổ chức các triển lãm cũng cần liên kết với các trường học, các cơ quan, đơn vị để thu hút nhiều người xem với đối tượng rộng rãi hơn. Đây là những gợi ý của người trong nghề cho các triển lãm nghệ thuật.