Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lối ra cho tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp (DN) khát vốn nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng - đó là thực tế trong mối quan hệ giữa hệ thống ngân hàng (NH) và DN hiện nay.

Để "gỡ vướng" cho vấn đề này, TP Hà Nội đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội làm đầu mối triển khai chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn. Cái "bắt tay" giữa 3 nhà (NH - DN - chính quyền) đã bước đầu phát huy tác dụng, nhờ đó nhiều DN đã bắt đầu hồi sinh sau thời gian khó khăn.

Bài 1: Doanh nghiệp chật vật tìm vốn

Những hạn chế trong việc đáp ứng các điều kiện cho vay của NH, nhất là thiếu tài sản thế chấp đã khiến nhiều DN chật vật trong việc tìm vốn để đầu tư sản xuất. Chính việc thiếu vốn đã khiến nhiều DN không thể duy trì được sản xuất hoặc phải phá sản. Rõ ràng, bài toán vốn đang là rào cản khiến nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa hụt hơi trước sức ép cạnh tranh hiện nay.

Tài sản thế chấp cản đường vốn đến DN

Với hơn 200 triệu đồng vốn tự có và gần 100 triệu đồng vốn vay ngân hàng, năm 2007, ông Phạm Đức Dũng đã thành lập Công ty CP Mật ong Đức Dũng. Chấp nhận lỗ trong 2 năm đầu, đến nay, thương hiệu mật ong Đức Dũng được nhiều hệ thống siêu thị trên 14 tỉnh, thành khắp cả nước tín nhiệm chọn mua. Hiện, Công ty có doanh số trung bình từ 20 - 30 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất xe đạp tại Công ty TNHH Một thành viên Thống Nhất.           Ảnh: Huy Hùng
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất xe đạp tại Công ty TNHH Một thành viên Thống Nhất. Ảnh: Huy Hùng
Đạt doanh số cao, chiếm lĩnh được nhiều thị trường trong nước nhưng việc tìm vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh với ông Dũng vẫn hết sức gian nan. "Từ đầu năm, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Ấn Độ,
Hiện nay, ngân hàng đánh giá khoản vay theo tài sản thế chấp vẫn rất thấp. Với DN tài chính lành mạnh, sản xuất, kinh doanh tốt, tôi kiến nghị, NH nên xem xét hạn mức tín dụng cao hơn.

Ông Nguyễn Hưởng - Giám đốc Công ty Minh Tâm
Australia…, đã ngỏ ý tìm hiểu để hợp tác. Dù rất muốn mở rộng thị trường nhưng chúng tôi không dám nhận lời. Với trang thiết bị nhà xưởng hiện tại, công ty rất khó giữ chân các nhà đầu tư" - ông Dũng thừa nhận thực tế. Theo tính toán của ông Dũng, chưa kể các chi phí về trang thiết bị, nhà xưởng, nhãn mác, chai lọ, lương công nhân…, muốn xuất ra nước ngoài, mỗi mùa mật (từ 2 - 3 tháng), công ty phải mua được tối thiểu 200 tấn mật nguồn, giá khoảng 4,5 tỷ đồng. Trong khi nhà đất, ô tô đã được ông thế chấp vay vốn ngân hàng, nên việc tiếp cận thêm vốn của Công ty CP Mật ong Đức Dũng vẫn hết sức gian nan.

Hiện nay, nhu cầu về vốn của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa   vẫn rất lớn. Tuy nhiên, hạn chế về tài sản thế chấp đang là rào cản lớn khiến khối DN này chật vật trong tiếp cận vốn NH. Theo ông Nguyễn Hưởng - Giám đốc Công ty Minh Tâm (huyện Đông Anh, Hà Nội), DN này rất cần vốn để thu mua nông sản. "Bao nhiêu sổ đỏ, tôi "gửi" NH hết rồi. Giờ muốn vay thêm nữa, hoàn toàn không dễ" - ông Hưởng nói.

Bóc ngắn, cắn dài

Tại các cuộc đối thoại do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội, các NH thương mại phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tổ chức, nhiều DN phản ánh, thời hạn NH cho vay lưu động quá ngắn khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quay vòng vốn.

Một DN trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, chu kỳ sản xuất, kinh doanh của DN thường khá dài, trong khi ngân hàng chỉ cho vay từ 4 - 6 tháng. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN phải chấp nhận cho khách hàng chậm trả nợ để giữ chân và tăng sức cạnh tranh. Vì thế, chu kỳ quay vòng vốn của DN lại càng dài. "Chúng tôi đang được NH cho vay ngắn hạn 6 tháng. Trong khi, chu kỳ sản xuất từ làm ra sản phẩm, phân phối rồi thu tiền về phải mất ít nhất một năm. Đến hạn trả nợ NH, nếu việc thu nợ khách hàng khó khăn, DN không còn cách nào khác là phải tìm đến “tín dụng đen” để đáo hạn NH. Không có nợ xấu mới mong được xem xét vay tiếp" - đại diện DN này nói.

Theo đại diện Công ty CP Nồi hơi Việt Nam, tốc độ quay vòng sản phẩm nồi hơi không ngắn như các ngành nghề khác. Quá trình kinh doanh là một chuỗi các chân rết liên quan mật thiết với nhau. Chỉ cần tắc một khâu là cả dây chuyền đều tắc. Ví dụ, sản phẩm nồi hơi cung cấp cho các nhà thầu, công trình. Nhưng chỉ cần nhà thầu chậm trả nợ hay công trình chậm thi công… là thành nợ dây chuyền, nợ tốt chuyển thành nợ xấu. Vốn vay ngắn hạn trong khi chu kỳ kinh doanh lại dài hạn, dẫn đến hậu quả là DN phải rất vất vả quay vòng vốn.

Các DN đề xuất, NH nên xem xét kéo dài thêm kỳ hạn cho vay, phù hợp với quy trình sản xuất, kinh doanh của DN.

Báo cáo tài chính quý II/2014 của Công ty CP Ntaco chuyên chế biến và xuất khẩu cá tra, basa phile đông lạnh cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt gần 69 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí lãi vay lớn dần đã "ăn mòn" hơn 96% lợi nhuận gộp trong kỳ khiến lãi ròng trong quý II/2014 chỉ đạt vỏn vẹn 176 triệu đồng. Đáng chú ý, chi phí lãi vay trong kỳ tăng hơn 10 tỷ đồng so với quý II/2013, ở mức 21,5 tỷ đồng, tương ứng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều DN.

Có thể thấy, ngoài việc khó tiếp cận vốn, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng "ăn mòn" lợi nhuận nhiều DN.

(còn tiếp)