Nếu so với tổng dư nợ tín dụng hàng năm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tỷ lệ này luôn có xu hướng giảm trong những năm gần đây, từ 9,22% năm 2006 xuống còn 6% năm 2010 và 5,2% đến tháng 7/2011.
Tín dụng nông dân, nông thôn vẫn hạn chế
Số liệu từ Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Hà Tây cho thấy, tính đến ngày 15/10/2011, tổng dư nợ cho vay kinh tế của tổ chức này là 8.427 tỷ đồng, trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vốn tại 12 huyện, thị trấn, gần 30 xã và hơn 1.300 làng nghề mà ngân hàng này đang hoạt động.
Nhu cầu vốn lớn nhưng ngân hàng chưa đáp ứng hết, đó là thực tế hoạt động tín dụng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Có thể thấy rõ điều này khi mà Tổng dư nợ tín dụng đến 31/7/2011 của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 545.268 tỷ đồng tăng 6,93% so với 31/12/2010, dư nợ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội, Hà Nội hiện có gần 400 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD, nhưng mạng lưới này ở khu vực ngoại thành vẫn chủ yếu là của Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ tín dụng Nhân dân. Một số ngân hàng thương mại đầu tư vốn vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn nhưng chưa hoàn thiện cơ chế tín dụng này mà mới chỉ chú ý đối với nông nghiệp là chủ yếu, còn hai đối tượng quan trọng khác là nông dân và nông thôn chưa được quan tâm.
Nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông
Dù đã có sự ưu đãi, song theo ông Đinh Viết Dụ, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tây, sự khó khăn về nguồn vốn huy động cũng là một nguyên nhân lớn khiến vốn cho vay ra hạn chế. Theo ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội, đa số khách hàng trong nông nghiệp chưa có nhiều phương án kinh doanh vay vốn rõ ràng. Nhiều hộ sản xuất làm kinh tế còn mang tính tự phát hoặc làm theo phong trào, chưa có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả sản xuất chưa cao… Mặt khác, quy trình cấp tín dụng của một số tổ chức còn phức tạp, chưa phù hợp với trình độ của người dân, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp là đất đai. Bên cạnh đó, việc thông tin về khách hàng chưa đầy đủ, thiếu chính xác đã khiến việc cho vay lĩnh vực này có độ rủi ro cao. “Với mức vay tín chấp tối đa chỉ 10 triệu đồng/hộ như trước đây mà ngân hàng đã rất khó khăn trong xử lý rủi ro thì việc nâng mức thế chấp cho vay hộ gia đình lên tối đa 50 triệu như hiện nay đúng là một sự mạo hiểm” - đại diện Agribank Chi nhánh Thủ đô thừa nhận. Ông này cũng nêu lên một thực tế là hầu hết các TCTD hiện nay đều lựa chọn ưu tiên lĩnh vực đầu tư có lãi suất cao để tối đa hóa lợi nhuận. Vì thế, dù được mở rộng với những chính sách mới cởi mở hơn nhưng cơ hội cho người vay vốn sẽ không nhiều nếu các ngân hàng không tập trung vốn cho nông nghiệp nông thôn. Trước thực tế này, mới đây, NHNN Chi nhánh Hà Nội đề xuất, các ngân hàng thương mại có trụ sở chính ở Hà Nội dành tối thiểu 5 - 10% tổng nguồn vốn huy động để cho vay nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng nào không có điều kiện trực tiếp cho vay thì chuyển vốn ủy thác qua ngân hàng nông nghiệp hoặc ngân hàng chính sách xã hội. Các chi nhánh có trụ sở chính ở các địa phương khác hàng năm xây dựng kế hoạch kinh doanh, dành vốn ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Nội tổi thiểu 5% nguồn vốn huy động. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các ngân hàng cũng cần hướng dẫn người vay ở khu vực này về cách sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Năm 2011, Hà Nội đặt mục tiêu dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên địa bàn đạt khoảng 100.000 tỷ đồng vào cuối năm. Các năm sau, mức độ tăng trưởng này đạt mức bình quân 20 - 25% tổng dư nợ năm 2010, trong đó cho vay hộ gia đình cá nhân chiếm khoảng 50% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn. |