Kinhtedothi - Ngày 16/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo về việc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2014. Theo đó, dự kiến, đến cuối tháng 12/2013, tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 9%, thấp hơn mức đề ra nhưng có khả năng cao hơn năm 2012 và chất lượng tín dụng cũng được nâng cao.
Tín dụng tăng thấp, tiền gửi tăng cao
Báo cáo của NHNN cho biết, năm 2013, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến ngày 12/12, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 15,61%, trong đó, tiền gửi ngoại tệ tăng 13,7%, tiền gửi VND tăng 15,93% so với cuối năm 2012.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Nguyễn Thị Hồng, năm 2013, NHNN cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống. Tính đến ngày 12/12, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Cơ cấu tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Đến cuối tháng 11/2013, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,51%, xuất khẩu tăng 3,32%, công nghiệp hỗ trợ tăng 10,84% so với cuối năm 2012.
Tính đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN là 316,8 ngàn tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, đồng thời giảm bớt gánh nặng trả lãi phạt do nợ quá hạn. Tỷ trọng các khoản cho vay lãi suất trên 15% hiện chiếm khoảng 6,94%/ tổng dư nợ; tỷ trọng các khoản cho vay trên 13% chiếm 20,4%/tổng dư nợ.
Trả lời câu hỏi về việc liệu tăng trưởng tín dụng có đạt mục tiêu 12%/năm mà NHNN đã đặt ra, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, theo mùa vụ, tín dụng thường tăng mạnh vào cuối năm. Nhiều khả năng đến hết tháng 12, tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt 9%. Năm 2014, NHNN vẫn đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%; tín dụng tăng từ 12 - 14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Tạo điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất NHNN vừa công bố, tính đến ngày 30/11, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng với tổng số tiền 1.562,1 tỷ đồng của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.236 khách hàng với tổng dư nợ 470,8 tỷ đồng. Số lượng khách hàng doanh nghiệp được giải ngân là 5 doanh nghiệp với số tiền là 176,07 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải ngân này là quá chậm, trong khi cả người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế rất kỳ vọng vào gói tín dụng ưu đãi này. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thời gian đầu cũng có những dự báo chưa chuẩn xác. "Chúng ta nghĩ rằng, cứ đưa tiền ra là có thể cho vay nhưng trên thực tế, nguồn cung trên thị trường mới là vấn đề chính. Nguồn cung nhà ở xã hội hiện còn hạn chế nên việc triển khai gói này không được như mong muốn"- ông Nguyễn Đồng Tiến nói.
Trước những thông tin các cơ quan chức năng sẽ xem xét cho dừng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, Chính phủ, NHNN cũng như các cơ quan liên quan không có ý định này. Hiện NHNN đang đề xuất bổ sung thêm các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói này nếu có nhu cầu. NHNN cũng đang cùng Bộ Xây dựng rà soát lại để triển khai hiệu quả hơn. Việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ được làm tích cực trong thời gian tới nên NHNN cũng mong các địa phương hỗ trợ.
Khách hàng giao dịch tại OceanBank. Ảnh: Đàm Duy
|
Đến ngày 16/12, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc, 22.863 tỷ đồng giá mua của 26 tổ chức tín dụng. Dự kiến, đến cuối năm 2013 mua được khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng. |