Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng tăng cao, lãi suất khó giảm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín dụng cả nước tăng 6,8% so với đầu năm và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,28%).

Nhiều ngân hàng thương mại đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20%. Theo các chuyên gia, trong các tháng tới, tín dụng sẽ có xu hướng tăng nhanh.

Tín dụng tăng trưởng tích cực

Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 24/6/2016, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 6,82% so với cuối năm 2015. Đây là năm thứ 2 tín dụng tăng trưởng liên tiếp sau nhiều năm tăng trưởng âm hoặc tăng thấp trong các tháng đầu năm. Nhiều NHTM cũng đạt mức tăng tín dụng khá cao. Đơn cử, tại VietinBank dư nợ tín dụng 6 tháng tăng trưởng 7,7% so đầu năm; Vietcombank đạt 10,76% (cao nhất trong 4 năm qua) trong khi huy động vốn đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72%, BIDV dự kiến có thể đạt 9%, và đặc biệt, TPBank tăng tới 18%...
Giao dịch tại một chi nhánh của Vietcombank tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch tại một chi nhánh của Vietcombank tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sự hồi phục của nền kinh tế cùng các chính sách tiền tệ khá linh hoạt theo thị trường trong thời gian gần đây đã giúp tăng trưởng tín dụng ở nhiều NHTM lên mức cao sau 6 tháng đầu năm. Trong một bản báo cáo kinh tế quý II/2016, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng nhận định mức tăng trưởng tín dụng nói trên là khả quan do các cơ chế, chính sách và một số Thông tư quan trọng như Thông tư 06/TT - MHNN, Thông tư 07/TT - NHNN bắt đầu đi vào thực hiện. Theo nhận định của các NHTM và các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20% của năm nay tương đối cao nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Ông Fiachra Mac Cana - Giám đốc Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán HSC nhận định, những yếu tố tích cực như: Cầu tín dụng cao, tín dụng ngoại tệ kém sôi động... là điểm thuận lợi cho tín dụng VND tăng trưởng.

Vốn vào nhiều, lãi suất vẫn tăng

Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu huy động tăng cao, đẩy tăng trưởng huy động lên mức 8,23% so với cuối năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6,82%, tương đương so với cùng kỳ năm 2015. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn so với tăng trưởng cho vay tuy nhiên nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm. Thậm chí có NH nâng lãi suất tới 2 lần. Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn hầu hết đã được dâng lên chạm trần, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài đã lên tới 8%/năm. Không chỉ các NH nhỏ, trong đợt tăng lãi suất này, ngay cả NH lớn như Vietcombank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất cho các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng thêm 0,1%/năm.

Lý giải hiện tượng này, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong điều kiện lạm phát tăng trở lại khiến lãi suất NH chịu khá nhiều áp lực như: Áp lực tỷ giá, kênh đầu tư tài chính bất động sản, chứng khoán có dấu hiệu phục hồi, Chính phủ tăng phát hành trái phiếu… thì đến thời điểm này lại bổ sung thêm nhân tố tiềm ẩn giá vàng. Do đó, để chuẩn bị trước, các NH đã chủ động huy động vốn từ bây giờ nhằm hạn chế phần nào nguồn vốn chảy khỏi NH. “Thời điểm chuẩn bị vào mùa kinh doanh của DN. Các NH muốn bổ sung nguồn vốn dư dả cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng. Thực tế, đã có những NH sử dụng gần hết room tín dụng và có thể phải xin ý kiến NHNN về việc có cho phép được nới room hay không” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Một lý do nữa là thời gian tới, NHNN phối hợp với Bộ Tài chính chuyển chức năng thanh toán Trái phiếu Chính phủ, tiến tới chuyển toàn bộ việc thanh toán các giao dịch chứng khoán từ NHTM về NHNN theo Quyết định 1355/QĐ - NHNN. Như vậy, các NHTM không chỉ mất đi một khoản thu dịch vụ mà còn bị mất một nguồn vốn từ tiền thanh toán không kỳ hạn lãi suất thấp. Ngoài ra, nếu kế hoạch thu cổ tức từ các NH lớn được thực hiện, ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của NH trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng vốn/nguồn huy động của NH này đã ở khá cao. Do đó, các NH có thể phải đẩy mạnh huy động vốn bù vào đảm bảo hệ số an toàn tối thiểu (CAR) để kinh doanh. Chỉ cần các NH lớn nâng lãi suất, các NH khác cũng phải nâng theo để giữ khách hàng và bảo toàn nguồn vốn, đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18 - 20% đã đề ra.