Tin giả về dịch Covid-19: Nâng mức xử phạt, cần thiết thì phải khởi tố hình sự

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Luật An ninh mạng mới đang trong giai đoạn bàn thảo để thông qua, không ít ý kiến tỏ ra lo lắng, cho rằng nếu bị kiểm soát quá chặt sẽ mất thứ này, thứ nọ. Thế nhưng, nếu không có Luật này ra đời thì chỉ nội trong vụ dập dịch CoVid-19 đang diễn ra, tin đồn lan truyền trên mạng sẽ nguy hại đến mức nào nếu chúng ta không can thiệp, không xử lý.

Số người bị xử lý vì tung tin giả về dịch Covid-19 trên facebook còn nhiều hơn số ca mắc tại Việt Nam
Sẽ là tai hại nếu không xử phạt người tung tin thiếu kiểm chứng khoa học, kiểu vô thưởng vô phạt như mách nhau uống nước tỏi, hoặc lại còn nguy hơn nếu mách nhau uống chloroquine - một loại thuốc dùng trị bệnh sốt rét và trị các bệnh tự miễn nhiễm - mà có thể có khả năng chống lại coronavirus mới. Thực ra, hiện giờ ngành dịch tễ học vẫn chưa có đủ bằng chứng y học cho thấy nó có hiệu quả. Ấy thế mà trên mạng tràn lan những thông tin kiểu như thế thì thật tai hại.
Mới đây, hôm 21/3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 2 trường hợp đăng tải thông tin thất thiệt về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội trên mạng xã hội.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng đã phát hiện một số tài khoản facebook tung tin, bịa đặt về "cuộc họp khẩn giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các sở, ngành". Họ bịa ra bối cảnh Hà Nội sắp "vỡ trận" trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Việc tung tin đồn thất thiệt dạng như mấy trường hợp nói trên ở Hà Nội cũng như xảy ra ở một vài tỉnh, thành khác trong cả nước đều sẽ bị xử phạt hành chính để răn đe.
Tuy nhiên, tại sao nó vẫn xuất hiện nơi này nơi khác mà chưa triệt để chấm dứt? Phải chăng do mức xử phạt hiện nay mà luật cho phép (khoảng chục triệu hoặc hơn) vẫn chưa đủ sức nặng để họ khiếp sợ?
Tôi nghĩ, cũng rất có thể là như vậy dù mức thu nhập của người dân như hiện nay ở nước ta thì cũng là số tiền khá cao. Liệu có nên có những khung hình phạt nặng hơn nữa trong thời điểm này.
Mới đây, một người bạn đang sống tại Cộng hòa Séc có email về cho tôi. Anh cho biết, hôm 14/3 vừa rồi, Chính phủ Cộng hòa Séc bất ngờ ban hành một đạo luật khá nghiêm khắc để đối phó với dịch bệnh.
Theo đó, nếu người của họ từ châu Âu về phải cách ly 14 ngày (điều này thì Tổ chức y tế thế giới đã hướng dẫn và cả thế giới cùng phải theo, không có gì đáng nói). Điều bất ngờ là ở chi tiết: Sẽ thẳng tay phạt 12 năm tù với bất cứ ai vô tình hay cố ý phát tán virus SAR-COV-2. Rồi, ai mà phát ngôn sai lệch về tình trạng dịch bệnh, nếu nói linh tinh cũng không tránh khỏi tù tội.
Vừa qua, một phụ nữ (tờ báo không nêu danh tính) nêu chuyện bà ta có đưa vài dòng ngắn ngủi trên trang cá nhân của mình "khoe" có nguồn tin quan trọng rằng Cộng hòa Séc sắp tới "sẽ phong toả toàn quốc". Ngay lập tức, bà ta bị cảnh sát Séc truy tìm rồi nhanh chóng công bố sẽ truy tố bà ta 8 năm tù giam.
Lúc này, tại một vài địa phương, trị trấn, làng quê, khu phố nào đó trên lãnh thổ Cộng hòa Séc thực tế cũng đã bị phong toả. Song vẫn chỉ là nhỏ, lẻ . Vì thế, nếu nói rằng "sẽ phong toả toàn quốc" rõ ràng là tin giả. Nó không khác mấy so với trường hợp mà Hà Nội vừa truy tìm, xử lý.
Nên chăng, Nhà nước ta cần có những chế tài đủ mạnh khác được ban hành, xem như đặc biệt để xử lý trong tình huống giống như đất nước có chiến tranh. Những biện pháp trừng trị cứng rắn sao đó khiến cho những đối tượng dù cậy có nhiều tiền, không sợ phạt cũng phải khiếp sợ. Tức là phải nâng lên mức khởi tố hình sự. Cần thiết thì xử tù một vài trường hợp để làm gương và mang tính răn đe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần