70 năm giải phóng Thủ đô

Tín hiệu tích cực của Chế định Thừa phát lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua gần 2 năm hoạt động, đến nay, công việc của các văn phòng Thừa phát lại (TPL) đã dần đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhiều yêu cầu cấp thiết của Nhân dân, góp phần tháo gỡ gánh nặng của các cơ quan thi hành án (THA).

Các văn phòng TPL rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, cung cấp cho người dân những dịch vụ pháp lý tốt, đồng thời từng bước khẳng định vai trò cần thiết của mình. Từ 5 văn phòng đầu tiên, đến nay, Hà Nội đã có 8 văn phòng TPL hoạt động.

Con số khả quan

Theo đánh giá về kết quả hoạt động trong thời gian thí điểm, vi bằng là thế mạnh của TPL. Đến nay, các văn phòng TPL trên địa bàn TP Hà Nội đã lập 1.711 vi bằng, thu gần 4,2 tỷ đồng. Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực như: Ghi nhận việc thực hiện các giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm mua bán; ghi nhận cuộc họp của công ty; ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ; sự kiện trên internet; việc bàn giao tiền, tài sản, giấy tờ… dùng làm chứng cứ.
Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông. 	Ảnh: Nguyễn Trọng
Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Trọng
Ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình cho biết, sau một năm hoạt động thí điểm, Văn phòng đã dần đi vào nền nếp, đạt được một số kết quả tích cực, đã lập 192 vi bằng (thu 567,4 triệu đồng). Còn tại Văn phòng TPL Đông Dương, bà Ứng Thị Hoàng Anh cho biết, hoạt động lập vi bằng được người dân đón nhận tích cực, trong đó nổi lên một số nhóm thông dụng như giao nhận tiền, giấy tờ, hàng hóa và tài sản khác; xác nhận hiện trạng nhà cửa, công trình xây dựng và tài sản; ghi nhận cuộc họp gia đình, cuộc họp của cơ quan tổ chức... Hoạt động này đã thu về cho Văn phòng TPL Đông Dương 83 triệu đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, các văn phòng TPL đã lập một số vi bằng có tác dụng thiết thực và gây tiếng vang lớn như: Văn phòng TPL quận Bình Thạnh lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản thừa kế 1.000 tỷ đồng của bà Thạch Kim Phát ở quận Tân Phú; Văn phòng TPL quận 1 lập vi bằng liên quan đến việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột tại Trung Quốc…

Về các hoạt động tống đạt văn bản và THA dân sự, ông Lạng cho biết, Văn phòng đã ký hợp đồng và tiến hành tống đạt với Chi cục THA dân sự quận Ba Đình, quận Tây Hồ, huyện Mê Linh và TAND quận Ba Đình; thanh lý hợp đồng với Chi cục THA dân sự quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, nhận và tống đạt được 4.498 văn bản (thu 447,69 triệu đồng). Trong lĩnh vực THA, Văn phòng TPL Ba Đình đã ra quyết định THA 7 vụ, với số phải thu gần 81 tỷ đồng, trong đó đã thi hành xong 2 vụ, tổng số phí thu được từ việc trực tiếp tổ chức THA là 373,6 triệu đồng. Văn phòng TPL Đông Dương cũng ký kết Hợp đồng dịch vụ tống đạt với Chi cục THA quận Đống Đa, TAND quận Đống Đa, Chi cục THA quận Hoàng Mai, tống đạt được 928 văn bản, doanh thu 71 triệu đồng.

Theo ông Lê Xuân Hồng - quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý THA hành chính (Tổng cục THA dân sự, Bộ Tư pháp), với sự ra đời của TPL, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. TPL được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan THA hiện hành, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh trong lĩnh vực THA, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động THA. Đồng thời, tạo thêm quyền lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất cho mình, tạo ra sự "cạnh tranh" lành mạnh, cùng vì mục đích phục vụ tốt nhất cho người dân. Đến nay, mặc dù số lượng việc THA của các văn phòng TPL thụ lý còn thấp (135 việc, thu được hơn 2,5 tỷ đồng) nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội.

Cần luật để hỗ trợ hoạt động

Mặc dù đã có các kết quả khả quan nhưng hoạt động của các văn phòng TPL vẫn gặp nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân đó là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL hiện chỉ mới dừng ở Nghị định, giá trị pháp lý còn hạn chế.

Một lãnh đạo văn phòng TPL khác cho biết, các văn bản quy phạm điều chỉnh hoạt động của TPL hiện nay có Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn, các luật chuyên ngành đều chưa có hình ảnh của TPL. Do đó, để TPL hoạt động hiệu quả phải sớm khẳng định tư cách pháp lý của TPL trong đời sống xã hội, mà trước hết cần sớm ban hành Luật TPL. Ngay trong quá trình tổng kết thí điểm TPL, có thể tiến hành rút kinh nghiệm và đưa vào kế hoạch xây dựng Luật TPL triển khai ngay trong năm 2016, trình Quốc hội thông qua ngay khi quyết định kết thúc thí điểm.

Bên cạnh đó, nhiều người hoạt động trong các văn phòng TPL cũng cho rằng cần sớm đưa TPL và văn phòng TPL vào Luật THA dân sự với tư cách là hệ thống cơ quan tổ chức THA dân sự tư nhân, và cho phép áp dụng ở những nơi đã có TPL. Cùng với đó, đưa các quy định về thẩm quyền yêu cầu cung cấp xác minh tài sản, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế của TPL vào các luật chuyên ngành như Luật Thuế, Luật Các tổ chức tín dụng… để tạo điều kiện thuận lợi cho TPL thực thi quyền hạn của mình khi tổ chức THA và xác minh điều kiện THA.
(còn nữa)