Tín hiệu vui từ PVTEX

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, cán bộ công nhân viên, người lao động Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch HĐTV PVN Trẫn Sỹ Thanh và đoàn công tác trực tiếp xuống phân xưởng động viên người lao động.
Theo chân đoàn công tác đến PVTEX chiều 31/1 khi cái Tết đã cận kề, Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết, kể từ khi khởi động lại 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY vào ngày 20/4/2018, đến nay, nhà máy đã sản xuất được 2.900 tấn sản phẩm sợi DTY và tiêu thụ đạt 2.500 tấn sản phẩm.
PVTEX cũng đã ký hợp đồng bán 1.338 tấn sợi DTY các loại cho 21 khách hàng, tổng trị giá hợp đồng trước thuế là 49,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng trước định phí. Mặc dù kết quả đạt được mới là bước đầu nhưng đây là tín hiệu cho thấy thị trường xơ sợi sau chu kỳ đi xuống đáy vào năm 2014 - 2015 thì từ cuối năm 2016 cho tới nay đã khởi sắc trở lại.
Đặc biệt, thị trường xơ sợi trong nước đang rộng mở với nhu cầu xơ trong nước là 255.000 tấn/năm trong khi tổng công suất sản xuất của PVTEX và nhà máy của Formosa chỉ đáp ứng 170.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, nhu cầu sợi DTY cả nước là 190.000 tấn/năm, trong khi công suất sản xuất cả nước chỉ đạt 90.000 tấn/năm. Hiện biên lợi nhuận của sản xuất xơ đã tăng từ 200 USD/tấn lên 250 USD/tấn trong khi chi phí sản xuất của PVTEX là 185 USD/tấn. Nếu Nhà máy chạy toàn bộ thì chi phí sản xuất xơ sẽ giảm từ mức 185 USD/tấn hiện nay xuống còn 170 USD/tấn. Biên lợi nhuận của sợi đã tăng từ 400 USD/tấn năm 2015 lên 500 USD/tấn. Với năng lực sản xuất của PVTEX hiện nay nếu nhà máy đi vào sản xuất toàn bộ sẽ có lợi nhuận.
“Hiện PVTEX và đối tác Tổ hợp An Phát (APH) đang tích cực bảo dưỡng tiếp các dây chuyền DTY còn lại để đưa vào khai thác, với mục tiêu quý II/2019 sẽ nâng lên công suất nhà máy lên 25 dây chuyền sản xuất sợi DTY”, ông Ngọc cho biết thêm.
Chủ tịch HĐTV PVN Trẫn Sỹ Thanh chúc mừng những thành công bước đầu của PVTEX và chúc Tết cán bộ công nhân tại chương trình Xuân Nghĩa tình 2019
PVTEX và APH cũng đang xây dựng kế hoạch hợp tác sản xuất kinh doanh 5 năm và thương thảo hợp đồng hợp tác, dự kiến sẽ ký kết trong quý I/2019 và sau đó bắt tay vào triển khai bảo dưỡng trong quý II, III. Mục tiêu quý IV/2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn còn gặp phải một số khó khăn; trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là thu xếp tài chính 800 - 1.000 tỷ đồng để chạy lại toàn bộ nhà máy. Vì vậy, PVTEX sẽ đàm phán với các đối tác để thu xếp tài chính.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài dừng toàn bộ nhà máy, hiện PVTEX phải tuyển dụng và đào tạo lại lao động. Hiện tại, số lao động của nhà máy đã tăng từ 150 lao động lên 230 lao động. Dự kiến khi Nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ, số lao động sẽ lên tới 800 người. Và quá trình dào tạo lao động chắc chắn sẽ cần nguồn tài chính tương đối lớn, ông Ngọc cho biết.
Công nhân thao tác treo đầu sợi trong phân xưởng sản xuất sợi DTY.
Theo ông Ngọc, không chỉ khởi sắc về tình hình sản xuất kinh doanh, PVTEX và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiến hành đàm phán hòa giải thành công với nhà thầu HEC, chấm dứt quá trình tranh chấp hơn 2 năm tại Trọng tài Quốc tế ICC. PVTEX đã đàm phán khoanh giãn nợ thành công với Khu công nghiệp Đình Vũ để được cấp lại các dịch vụ tiện ích cho kế hoạch tăng công suất của nhà máy. Ngoài ra, PVTEX đang triển khai quyết toán dự án, dự kiến hoàn thành vào đầu quý II/2019, sau đó sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc nguồn vốn theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2019.
Chúc mừng PVTEX, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cùng đoàn công tác đã xuống động viên tinh thần, tặng quà cho người lao động đón chào xuân mới về và tham dự chương trình Xuân Nghĩa tình 2019 tối cùng ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần