Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin nhắn rác lại hoành hành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài SMS truyền thống, nhiều khách hàng hiện còn bị "dội bom" từ các ứng dụng OTT. Trong khi đó, nhà mạng lại cho biết chính họ cũng khó khăn khi kiểm soát các tin nhắn loại này.

Chị Hoa (Thanh Xuân) cho biết từ đầu tháng 9 đến nay phải làm thao tác chặn khoảng 40-50 số điện thoại thường xuyên nhắn tin quảng cáo. Trong đó, đa số là quảng cáo sim số đẹp, lô đề, cho vay tín dụng, rao bán nhà đất, ẩm thực...

"Tuy nhiên, tôi biết điều này cũng chẳng hiệu quả là bao vì thực tế, chủ yếu các đại lý đều mua sim rác để nhắn một vào lần rồi bỏ đi, chặn cũng không xuể. Do đó, mỗi ngày tôi vẫn đều đặn nhận được hàng chục tin nhắn rác", chủ thuê bao cho hay.
 Nhiều khách hàng nhận được cả chục tin nhắn rác mỗi ngày. Ảnh: NVCC
Nhiều khách hàng nhận được cả chục tin nhắn rác mỗi ngày. Ảnh: NVCC
Với những người dùng sim số đẹp như anh Nam (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) thì có ngày phải nhận tới hai chục tin nhắn rác, chưa kể các cuộc điện thoại chào mời dịch vụ.

Thậm chí, gần đây anh còn bị khủng bố bởi một số tin nhắn có nội dung dễ gây hiểu lầm từ số máy 01695264xxx. Một trong những tin nhắn có nội dung như sau: "Anh a. Anh dang lam gi day? Co con nho em khong, Em buon qua. Neu vo anh khong co o do thi goi ngay cho em vao so nay nhe: 1900xxxx. Em nho anh nhieu lam".

Quá bức xúc, anh Nam liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng thì nhận được câu trả lời: "Tốt nhất anh đừng làm theo những tin nhắn đó. Đây là tình trạng chung của các nhà mạng rồi, bên em sẽ cố gắng khắc phục", anh Nam kể lại.

Ngoài tin nhắn từ sim rác, những người dùng smartphone còn bị làm phiền bởi tin nhắn rác đến từ các ứng dụng mạng (OTT) như Viber, Beetalk... Trong đó quảng cáo các nội dung như đủ loại hình dịch vụ, từ quảng cáo game, soi cầu lô đề, đến chuyện phòng the hoặc hàng cấm như máy nghe lén ...

"Gầy đây, tôi phải gỡ một số ứng dụng OTT vì bị làm phiền quá nhiều bởi các loại tin nhắn rác, spam...", anh Hải, Nam Từ Liêm cho biết.

Theo đại diện VinaPhone, thời gian qua, nhà mạng này cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng về tình trạng tin nhắn rác. Đơn vị này cũng đã khóa gần 460.000 sim gửi tin nhắn loại này, đồng thời khóa hơn 150 cú pháp nhắn tin đến các đầu số khác nhau.

Các nhà mạng khác cũng cho biết đã cung cấp dịch vụ nhằm chặn hay chỉ nhận tin nhắn của một hay nhiều thuê bao điện thoại di động nằm trong danh sách đã đăng ký... Tuy nhiên, doanh nghiệp viễn thông thừa nhận gặp không ít khó khăn trong quá trình ngăn chặn các loại tin nhắn rác.

"Một số đối tượng phát tán tin nhắn rác từ thuê bao này đến thuê bao di động khác. Trong khi nhà mạng không thể kiểm tra được nội dung tin nhắn cá nhân của khách hàng. Số lượng nhắn tin từ các thuê bao cũng hạn chế theo lượng nhỏ nên bộ lọc trên hệ thống không chỉ ra được là thuê bao có đang thực hiện nhắn tin thông thường hay spam hay không", ông này nói. 

Vị này cũng cho biết, với những tin nhắn đến từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và các tổng đài 1900 do một số công ty quản lý nên nhà mạng không kiểm soát được do không phải là đơn vị trực tiếp quản lý và ký hợp đồng. Trong khi đó, với các tin nhắn rác đến từ các ứng dụng OTT, đại diện các nhà mạng cũng cho biết hiện không thể can thiệp xử lý được.

"Điều kiện sử dụng OTT là do nhà cung cấp và khách hàng tự thỏa thuận để sử dụng. Nhà mạng chỉ có cung cấp đường truyền để truy cập nhanh, ổn định vào các ứng dụng, trong đó có ứng dụng đó chứ không thể có bất cứ can thiệp nào để chặn tin nhắn rác", đại diện VinaPhone cho hay.

Trước đó, ông Trần Vũ Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông nhận định tình trạng tin nhắn rác OTT đang diễn biến ngày càng phức tạp và việc chưa có quy định quản lý cũng như chế tài xử phạt khiến cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hơn nữa, khác với tin nhắn rác qua SMS, tin nhắn qua mạng OTT không thể quy về các đầu số của doanh nghiệp nội dung, cũng không thể buộc nhà mạng phải chịu trách nhiệm. "Nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT lại đặt máy chủ tại nước ngoài như Viber, WhatsApp, khiến cho việc truy tìm nguồn gốc phát tán và tìm giải pháp ngăn chặn càng khó khăn", ông Hà nhận định.

Trong khi đó, bản thân những người làm kinh doanh cũng thừa nhận quảng cáo bằng tin nhắn vẫn là một phương pháp bán hàng hiệu quả ở thời điểm hiện tại, đặc biệt với mặt hàng sim số. "Trong hàng nghìn người được phát tán, biết đâu tìm được vài người có nhu cầu. Nếu gửi tin bằng OTT thì cũng không có gì khó khăn. Các phần mềm để phát tán loại tin này bán rất nhiều trên thị trường", anh Xuân, dân buôn sim cho biết.