Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 23/10, Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban (380 người).

Tín nhiệm thấp có thể xin từ chức - Ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đọc báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

Quá nửa phiếu “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

Theo dự thảo Nghị quyết, việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện cụ thể như sau: Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế. Trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó ở nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp"; người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH hoặc đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này: "Nghị quyết dựa trên những căn cứ pháp lý rõ ràng, vững chắc, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành". Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm.

Cơ sở đánh giá cán bộ

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc chia 4 mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như quy định trong dự thảo Nghị quyết là: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm trung bình", "tín nhiệm thấp" và "chưa có ý kiến". Việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm, đồng thời tránh được nhầm lẫn giữa việc "lấy  phiếu tín nhiệm" với việc "bỏ phiếu tín nhiệm" (bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"). Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên đặt ra lựa chọn "chưa có ý kiến" trên phiếu, vì trách nhiệm của mỗi ĐBQH, đại biểu HĐND phải thay mặt cử tri xem xét và thể hiện chính kiến của mình. Ý kiến khác đề nghị thay "chưa có ý kiến" bằng "không có ý kiến".

Thời hạn lấy phiếu tín nhiệm cũng được Ủy ban Pháp luật tán thành quy định: Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Việc này sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Theo dự kiến, các đại biểu thảo luận ở tổ vào chiều ngày 29/10 và ngày 10/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết này. Buổi làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Nếu dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2013.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị):

Bỏ phiếu tín nhiệm sẽ mở ra văn hóa từ chức

Việc xem xét thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy Quốc hội đặt quyết tâm cao trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, xứng đáng đứng ở các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu.

Bản thân mỗi cán bộ khi được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng tự nhìn nhận, tự đánh giá lại năng lực và phẩm chất của mình, từ đó tự ý thức rèn luyện thêm. Không chỉ các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm mà cả những cán bộ chưa được lấy phiếu tín nhiệm nhìn vào đó để rút kinh nghiệm cho mình. Có thể nói, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ đã được đưa ra rất sát, rất đúng với tình hình hiện nay, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai):

Nên công khai danh tính khi bỏ phiếu

Việc bỏ phiếu tín nhiệm là cơ sở để cử tri giám sát ĐBQH. Nếu bỏ phiếu kín, rất có thể người dân không giám sát được ĐB của mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế nào, để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau. Hiện nay, khó khăn của chúng ta là làm sao để người dân biết mỗi ĐBQH mình bầu ra hành xử như thế nào. Vì vậy, cũng cần tạo ra một cơ chế thích hợp để cử tri giám sát ĐB. Vì vậy, việc bỏ phiếu cũng nên công khai danh tính. Ở nhiều nước, khi bỏ phiếu xong (trừ lúc bỏ phiếu kín) tất cả  danh tính của ĐBQH và thái độ của họ được công khai trên màn hình, hay trong hồ sơ mà người dân hoàn toàn có thể tiếp xúc được.

Hải Lý ghi