Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế nổi bật tuần qua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, thị trường vàng, USD, sữa, điện... có nhiều sự điều chỉnh, biến động lớn.

Giá vàng, USD tăng giảm “chóng mặt’

Lực mua vàng liên tiếp giảm trong tuần qua (từ ngày 2-5/6). Kể cả vàng nữ trang cũng tiêu thụ chậm thời gian này, do không phải cao điểm về mùa cưới. Đà giảm của giá vàng trong nước xuất phát từ thị trường quốc tế đi xuống. Giá vàng SJC chạy quanh ở mức 36,13 triệu đồng/lượng - 36,18 triệu đồng/lượng.

Cho đến ngày 5/6, giá vàng SJC “tuột” khỏi mốc 36 triệu đồng/lượng. Tính đến thời điểm trên, giá vàng SJC đang thấp nhất kể từ ngày 14/5 trở lại đây.     

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Và thị trường vàng như bừng sáng hơn khi lấy lại được mốc 36 triệu đồng/ lượng trong phiên giao dịch ngày 6/6, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài suốt mấy ngày qua.

Trong khi đó, thị trường USD trong nước cũng tăng giảm đến “chóng mặt”.

Theo đó, sáng 4/6, một số ngân hàng đã nâng giá bán USD lên mức kịch trần 21.246 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 tháng qua, tỷ giá USD/VND đạt mức kịch trần biên độ cho phép.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong hơn 10 tháng qua giá USD tại ngân hàng thương mại lên mức kịch trần. Nhu cầu mua USD của doanh nghiêp phục vụ thanh toán gia tăng và yếu tố tâm lý của người dân được xem là nguyên nhân khiến giá USD liên tục tăng cao trong mấy ngày gần đây.

Tuy nhiên, đến ngày 6/6, giá mua và bán USD tại hầu hết các ngân hàng đều "hạ nhiệt" từ 5-10 đồng/USD, giá cao nhất được niêm yết là 21.240 đồng/USD.

Giá sữa rục rịch giảm

Từ ngày 1/6, giá trần 25 mặt hàng sữa do Bộ Tài chính quy định đã chính thức có hiệu lực và được áp dụng trong vòng 6 tháng. Mặc dù, việc áp giá trần đối với khâu bán buôn sẽ được lùi thời gian, chậm nhất là sau 10 ngày kể từ ngày quy định này có hiệu lực và trong khâu bán lẻ chậm nhất là sau 20 ngày, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nhãn sữa đã rục rịch giảm giá bán.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sau khi một loạt các cửa hàng kinh doanh thực hiện việc điều chỉnh giá sữa bột dành cho trẻ em từ 0 - 6 tháng tuổi, nhiều siêu thị đã bắt đầu thực hiện kê khai và giảm giá với một số mặt hàng này.

Theo những thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, một số DN sữa như Abbott, Mead Johnson… đã gửi văn bản cam kết tuân thủ trần giá sữa. Như vậy, với các cam kết này, có thể thấy mức giá trần do Bộ Tài chính quy định nằm trong khả năng chấp nhận của DN.

Trước lo ngại của người dân về việc doanh nghiệp sữa có thể lách quy định trần giá sữa bằng cách thay đổi nhãn hàng để ra khỏi danh mục áp trần giá sữa, đại diện Bộ Tài chính trong buổi họp báo mới đây khẳng định, đã lường trước những tình huống này. Theo đó, Bộ đã quy định, bất kỳ nhãn sữa mới nào cũng đều phải làm thủ tục đăng ký giá. Và sau 5 ngày kể từ khi DN nộp hồ sơ đăng ký, Bộ Tài chính sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm.

Tiến tới công khai giá điện
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thực hiện Quyết định 28/2014/QĐ - TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4887/QĐ - BCT quy định giá bán điện áp dụng cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và các đơn vị bán lẻ điện.

Theo đó, từ 1/6, giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), bằng với giá điện bình quân áp dụng từ ngày 1/8/2013 đến nay.