Lãnh đạo Armenia và Azerbaijan sẵn sàng đến Moscow để đàm phán
Ngày 19/10, trả lời các cuộc phỏng vấn riêng rẽ độc quyền với hãng thông tấn quốc gia TASS của Nga về xung đột Nagorny-Karabakh, lãnh đạo cả hai nước Armenia và Azerbaijan đều khẳng định sẵn sàng đến Moskva để cùng ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung gian quan trọng của Nga trong cuộc xung đột hiện nay.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận hòa bình với phía Azerbaijan, tuy nhiên, một vấn đề mang tính nguyên tắc là cần xác định tình trạng của vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố cần phải kết thúc đối đầu và tìm kiếm cách giải quyết cho cuộc xung đột.
Căng thẳng tái bùng phát tại Nagorny-Karabakh từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Ireland trở thành quốc gia EU đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa
Thủ tướng Micheal Martin ngày 19/10 tuyên bố Ireland sẽ trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) quay trở lại tình trạng phong tỏa để phòng, chống đại dịch Covid-19 sau khi chính quyền nước này ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc, song vẫn cho phép các trường học mở cửa.
Ireland sẽ trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của EU quay trở lại tình trạng phong tỏa để ngăn dịch Covid-19. |
Các biện pháp mới sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 6 tuần kể từ 23 giờ GMT ngày 21/10 (6 giờ 00 ngày 22/10 theo giờ Hà Nội).
Ireland yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà.
Đại học Johns Hopkins công bố số liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 40 triệu trong bối cảnh "làn sóng thứ hai" của đại dịch đã hình thành từ tháng 8 ở châu Âu.
Châu Âu hiện đã vượt Mỹ về số ca nhiễm mới theo tỷ lệ trên 1 triệu dân. Tính đến ngày 19/10, trung bình có 162 ca nhiễm mới/1 triệu người trong 7 ngày tại Mỹ, so với 187 trường hợp ở châu Âu.
Mỹ sẽ đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố
Thông báo trên Twitter ngày 19/10, Tổng thống Trump cho biết ngay sau khi Sudan chi trả số tiền 335 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân của khủng bố ở Mỹ và gia đình họ, ông sẽ đưa nước này ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã bày tỏ hy vọng Tổng thống Trump sẽ sớm chính thức thông báo tới Quốc hội Mỹ về việc đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố vì điều này đã khiến Sudan tổn thất khá nhiều.
Sudan từng bị Mỹ liệt kê vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố năm 1993 dưới thời chính quyền Tổng thống Omar al-Bashir, người đã bị quân đội lật đổ năm ngoái. Việc bị liệt kê vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố đã khiến chính phủ lâm thời Sudan gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính nước ngoài cũng như giảm nợ, do đó, nước này đã tích cực hợp tác với Mỹ trong vấn đề chống khủng bố.
Anh từ chối nối lại đàm phán hậu Brexit với EU
Chính phủ Anh ngày 19/10 từ chối nối lại các đàm phán về thảo thuận hậu Brexit bất chấp trước đó đã cùng EU phát đi các tín hiệu tích cực.
Thông tin trên được Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra trong tối ngày 19/10, chỉ ít giờ sau khi có những tín hiệu tích cực được phát đi từ cả Brussels lẫn London về việc hai bên sẽ sớm nối lại các cuộc đàm phán.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, hiện vẫn chưa có những nền tảng cần thiết cho việc nối lại đàm phán vì phía EU chưa đưa ra bất cứ thay đổi quan trọng nào trong cách tiếp cận của khối này đối với các vấn đề gây bất đồng giữa hai bên.
Trước đó, trong chiều 19/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Miros Sefcovic đã có cuộc điện đàm với Chánh Văn phòng nội các Anh, Michael Gove và đưa ra tuyên bố lạc quan rằng hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường đàm phán trở lại trong vài ngày tới.
Về phần mình, ông Michael Gove cũng phát biểu trước Nghị viện Anh rằng hai đoàn đàm phán đã thống nhất thảo luận ngay trong tuần này về các văn kiện pháp lý cho thỏa thuận tới./.