Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin vào ký ức sẽ tìm được những giá trị lịch sử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 12 ngày đêm khốc liệt Mỹ ném bom rải thảm tại Hà Nội năm 1972, người dân Thủ đô đã nghĩ gì, đã sống và đối mặt với cuộc chiến tàn khốc ấy ra sao. Những câu hỏi đó đã thôi thúc nhóm tác giả cuốn sách "Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội" miệt mài lật giở quá khứ thông qua hồi ức của các nhân chứng để vén bức màn lịch sử…

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đặng Đức Tuệ, một trong những tác giả của cuốn sách.

Thưa ông, hẳn không phải ngẫu nhiên mà ông và các đồng nghiệp lại bắt tay viết sách về các sự kiện lịch sử?

- Cái duyên đưa chúng tôi đến với các đề tài lịch sử rất tình cờ. Năm 2005, tôi và nhà báo Đào Thanh Huyền gặp nhà báo Nguyễn Xuân Mai (nguyên là Tổng Biên tập báo Phòng không Không quân đầu những năm 70 của thế kỷ XX) trong một buổi giao lưu về nghề. Bác Mai đưa chúng tôi đến gặp rất nhiều nhân chứng là đồng đội đã chiến đấu ở Điện Biên. Họ kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện rất đời thường, giản dị nhưng vô cùng chân thực về cuộc chiến đấu gian khổ tại chiến trường được mệnh danh là "cối xay thịt". Những điều ấy chưa bao giờ được nói đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vậy, chúng tôi quyết định đi gặp thật nhiều nhân chứng để tổng hợp lại và làm thành một câu chuyện chung về chiến dịch mang tên "Chuyện những người vô danh làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009" xuất bản năm 2009. Cuốn sách nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực, đấy là động lực để chúng tôi làm tiếp những sự kiện lịch sử khác.

Tin vào ký ức sẽ tìm được những giá trị lịch sử - Ảnh 1

Tiếp đó, chúng tôi quyết định viết cuốn "Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội" bởi thứ nhất, năm 2012 là kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; thứ hai, vì nó diễn ra ở Hà Nội quê tôi, nên tôi muốn tìm hiểu xem những ngày tháng đau thương ấy, bố mẹ, họ hàng và người dân ở khu phố sống như thế nào, thứ 3, về mặt không gian và thời gian, nó vừa sức với một nhóm nhỏ chỉ có 4 người thực hiện như chúng tôi.

"Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội" là hồi ức của các nhân chứng có mặt tại Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa cách đây 40 năm. Trí nhớ của con người là hữu hạn, vậy ông có mạo hiểm không khi lấy đó là "điểm tựa"?

- Đã là hồi ức thì bao giờ cũng có yếu tố rủi ro và độ sai lệch nhất định, lại do tuổi tác cao nên trí nhớ của các nhân chứng vẫn có độ mờ nào đó. Thế nên, chúng tôi phải rất cẩn thận khi xử lý thông tin. Với mỗi câu chuyện, chúng tôi luôn có ý thức kiểm chứng lại thông tin, thấy thông tin nào sai lệch, gây mâu thuẫn phải cẩn thận chọn lọc.

Dù biết rằng, tin vào ký ức của con người qua 40 năm là một sự mạo hiểm, nhưng nếu không có lòng tin thì chúng ta sẽ rất khó để biết thêm những thông tin giá trị trong quá khứ. Chúng tôi chỉ muốn kể lại một lát cắt của lịch sử, để người đọc tự cảm nhận, chứ không bình luận gì. Chúng tôi không nhấn mạnh vào chiến thắng hay đau thương, vì những việc ấy đã có người làm rồi.

Vậy qua lời kể của 116 nhân chứng, cá nhân ông hình dung bối cảnh của Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử ấy thế nào?

- Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, theo hình dung của tôi, vào ban ngày thỉnh thoảng vẫn có bom đạn, nhưng người dân miền Bắc đã quen với tiếng bom từ những năm 60 rồi, nên cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường. Vào thứ Bảy hàng tuần người ta vẫn đi mua bia, ai làm gì vẫn làm, khi có còi báo động thì xuống một hố cá nhân gần nhất để trú ẩn. Nhưng không thể nói là không khốc liệt được vì chưa bao giờ Mỹ huy động 1/3 trong tổng số máy bay B52 của mình trên khắp các chiến trường để rải thảm ở Hà Nội và một số thành phố lớn miền Bắc. Khung cảnh đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên, hay những chiếc quan tài trên hè phố đã minh chứng cho điều đó.

Điều lớn nhất đọng lại trong ông khi cuốn sách đã nên hình, nên dáng là gì vậy?

- Tôi thấy đó là cuộc chiến đấu rất đặc biệt và khác với các cuộc chiến khác. Một nhân chứng ở đơn vị phòng không không quân Thủ đô kể: "Thật ra nó chỉ là một cuộc chiến tranh điện tử. Kẻ địch bấm nút rải bom ở trên trời và quân ta ở dưới đất bấm nút để tiêu diệt máy bay địch chứ không ai nhìn thấy ai". Cho nên khi tôi hỏi các chiến sĩ phòng không có sợ không, thì họ trả lời: B52 chỉ rải được bom trong chiều dài 2km, nên không phải lúc nào nó cũng đánh vào mình được, và họ thực hiện nhiệm vụ của họ một cách rất tự tin và bình thản.

Xin cảm ơn ông!

Những ngày mùa đông 40 năm trước, cả Hà Nội rực lửa với 12 ngày đêm kiên cường khuất phục "pháo đài bay B52", làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ phải bước vào vòng đàm phán cuối cùng và đi đến ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. 40 năm đã trôi qua, dấu tích của chiến tranh chỉ còn trong bảo tàng, ở những tượng đài kỷ niệm và trong trí nhớ của những người đã lớn tuổi, nhưng không một ai, không một điều gì bị quên lãng. Để thế hệ trẻ hôm nay nhớ về một thời hào hùng, bi tráng, từ số này, báo Kinh tế & Đô thị mở chuyên mục: "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Bản hùng ca bất tử" nhằm giới thiệu những bài viết, tư liệu về 12 ngày đêm lịch sử đó.  
      
KT&ĐT