Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính cách bù lại nguồn ngoại tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chênh lệch giá vàng giảm mạnh, thị trường không còn những cơn "sốt" - đó là tín hiệu tích cực chứng tỏ các chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, làm thế nào để chênh lệch giá vàng giảm bền vững, thị trường vàng thực sự ổn định trong dài hạn vẫn là bài toán khó.

Chênh lệch giá vàng giảm

Ngày 30/8, NHNN đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 57 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 19.700 lượng trên tổng số 20.000 lượng chào thầu. Như vậy, kể từ khi thực hiện việc đấu thầu vàng (ngày 28/3) đến đợt tổ chức đấu thầu cuối tháng 8 vừa qua, NHNN đã bán ra thị trường 1.517.200 lượng vàng trên tổng số 1.622.000 lượng chào thầu.Việc NHNN liên tục tung vàng đấu thầu được coi là nguyên nhân kéo mức chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới giảm. Cung được đáp ứng trong khi cầu giảm do nhu cầu mua vàng để tất toán trạng thái của các ngân hàng không còn. Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI giải thích: Nhu cầu tiêu thụ vàng hiện nay khá trầm lắng, cộng với việc ngân hàng thương mại không còn "cửa" để đầu cơ khiến các "nhà vàng" không dám tăng mạnh giá mặt hàng này ở trong nước, giảm mức chênh với giá vàng thế giới do lo ngại không bán được, dẫn đến chênh lệch giá vàng giảm mạnh. 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, chênh lệch giá vàng sẽ tiếp tục giảm, một phần vì nhu cầu từ các các ngân hàng thương mại không còn, mãi lực mua vàng trong dân cũng không lớn trong khi NHNN vẫn duy trì nguồn cung đều đặn qua các phiên đấu thầu. Mức chênh lệch có thể chấp nhận được là 1,5 - 2 triệu đồng/lượng.

 
Khách hàng giao dịch tại Công ty Vàng Agribank, Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại Công ty Vàng Agribank, Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Việt
Nên trả lại thị trường vàng cho doanh nghiệp?

Theo các chuyên gia kinh tế, chưa thể khẳng định chênh lệch giá vàng đã ổn định bền vững. Nếu giá vàng thế giới biến động, rất có thể, khoảng cách chênh lệch sẽ lại giãn ra nếu tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng không được hạn chế.

Đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết: "Bước đầu, có thể nói chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng trên thị trường quốc tế đã được thu hẹp. Song, NHNN vẫn luôn theo dõi sát biến động của thị trường để có động thái can thiệp kịp thời".

Tuy nhiên, việc NHNN độc quyền nhập khẩu để cung vàng ra thị trường thông qua kênh đấu thầu cũng đang gây không ít băn khoăn. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, việc tổ chức liên tiếp hàng chục phiên đấu thầu, tung ra thị trường gần 60 tấn vàng thời gian qua của NHNN đã làm gia tăng tốc độ "vàng hóa" của nền kinh tế. Để chấm dứt tình trạng này, không có cách nào khác là lập sàn vàng quốc gia, nếu không sẽ không biết nhập khẩu bao nhiêu vàng nữa mới đủ đáp ứng nhu cầu vàng vật chất của người dân.

Câu chuyện "hậu" nhập khẩu vàng cũng được nhiều chuyên gia bàn đến. Một thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, hiện, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nhưng chủ yếu dùng cho sản xuất vàng miếng, còn việc tái tạo ngoại tệ dùng để nhập khẩu số vàng này lại chưa được thực hiện. "Giống như DN và các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu. Sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng là chuyện đương nhiên, nhưng tái tạo ngoại tệ như thế nào mới là việc đáng bàn. Ví dụ, các DN kinh doanh vàng có thể dùng số vàng này sản xuất vàng trang sức để xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng vàng nhập vừa qua chỉ có một phần được sử dụng để sản xuất vàng trang sức còn lại chủ yếu để dập vàng SJC phục vụ đấu thầu. Như vậy là chưa tái tạo ngoại tệ được" - thành viên này cho biết.

Theo nhiều ý kiến, về lâu dài, NHNN cần tính đến việc phải trả lại thị trường vàng cho các DN.