Kinhtedothi - Theo Quyết định 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), một yêu cầu đặt ra là kiên trì chủ trương TGBC, bảo đảm đến năm 2021 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị so với biên chế được giao năm 2015, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý CB, CC, VC.
Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt từ khâu tuyển dụng đến đánh giá cán bộ, nhằm thực hiện TGBC trên cả nước vừa đúng quy định, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ.
Đổi mới tuyển dụng để giảm tiêu cực
Trước tình trạng ưu tiên "con ông cháu cha” khi TGBC, hoặc hiện tượng “chạy” vào biên chế, Bộ Nội vụ đã vào cuộc thế nào và sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn?
- Nhận được phản ánh về việc tuyển dụng chưa đúng pháp luật, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan có trách nhiệm ở các địa phương để kiểm tra lại các trường hợp ký hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng. Để đảm bảo được tính khách quan, công bằng, chất lượng trong thực hiện quy định của Nhà nước về công tác tuyển dụng và TGBC, hiện nay, chúng tôi cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu khi được giao thẩm quyền tuyển dụng. Mục đích cũng là bảo đảm được quyền lợi của đội ngũ CB, CC, VC, người lao động. Ngoài ra, phương thức tuyển dụng cũng cần được lưu tâm, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đổi mới để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ. Có thể nói từ khâu đầu tiên cho đến khâu kết thúc, nếu không làm tốt công tác quản lý thì đều dễ phát sinh tiêu cực.
Cụ thể, Bộ sẽ đổi mới phương thức này ra sao, thưa ông?
- Bộ Nội vụ đang nghiên cứu làm sao gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng cho phù hợp, tức là người sử dụng được lựa chọn người đáp ứng đúng yêu cầu công việc của mình. Chứ không thể kéo dài tình trạng chung hiện nay là, một cơ quan tuyển dụng còn một cơ quan khác sử dụng. Đồng thời, sẽ có giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại những cơ quan đã được phân cấp trong tuyển dụng CC, VC, tránh tình trạng đơn vị còn biên chế nhưng chỉ ký hợp đồng lao động, điều này không đúng quy định. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu để gắn liền mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị với trách nhiệm người đứng đầu, thông qua đánh giá phân loại. Các cơ quan, tổ chức muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đội ngũ phải đạt chất lượng về phẩm chất, trình độ, năng lực. Nếu một cơ quan tiến hành tuyển dụng dựa trên nể nang, quen biết, dễ dãi, không căn cứ vào nhu cầu công việc thì cơ quan đó không thể hoàn thành nhiệm vụ tốt được, đội ngũ ở đó cũng sẽ không bảo đảm được yêu cầu công việc. Và nếu người đứng đầu qua 1 - 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét bố trí lại công tác.
Liên quan đến đánh giá CB, CC, VC, một tồn tại hiện nay là hầu hết đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Vậy theo ông, các đơn vị nên căn cứ vào đâu để tiến hành đánh giá khắc phục được tình trạng “vàng thau lẫn lộn”?
- Ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56 quy định cụ thể, rõ ràng những tiêu chí để làm căn cứ đánh giá phân loại CB, CC, VC, tạo điều kiện cho người đứng đầu phát huy hết thẩm quyền trách nhiệm. Với từng mức độ xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, còn hạn chế về năng lực hay không hoàn thành nhiệm vụ, đều có những chuẩn mực nhất định. Nghị định 56 là cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp người đứng đầu thực hiện tốt trách nhiệm trong quá trình đánh giá những người thuộc thẩm quyền quản lý sử dụng; phân biệt được người làm tốt và người làm chưa tốt, người tận tụy trách nhiệm với người lười biếng hoặc vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Không thể ra bao nhiêu lại vào bấy nhiêu
Thực hiện chủ trương TGBC, trên cả nước đã đạt kết quả như thế nào, có bảo đảm đúng đối tượng không, thưa ông?
- Căn cứ Nghị định 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 01 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính về chính sách TGBC, năm 2015, các bộ, ngành, địa phương bắt đầu thực hiện TGBC trên cơ sở đánh giá phân loại. Bộ Nội vụ giữ nhiệm vụ thẩm tra danh sách TGBC trước khi Bộ Tài chính xem xét cấp kinh phí. Trong quá trình đó, chúng tôi đã rà soát để đảm bảo đúng đối tượng và đúng chính sách. Kết quả cho thấy, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, nghiêm túc chính sách TGBC mà Chính phủ đã quy định. Riêng 6 tháng cuối năm 2015, cả nước đã thực hiện TGBC trong khu vực hành chính và sự nghiệp được trên 5.000 người. Dù vậy, qua quá trình thẩm tra vẫn thể hiện, còn chỗ này chỗ khác chưa làm đúng việc xác định đối tượng của TGBC. Chẳng hạn, có những người được đánh giá phân loại là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, hoặc có trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà vẫn bị đưa vào diện TGBC. Lại có những cơ quan, tổ chức, đơn vị không triển khai sắp xếp lại bộ máy song cũng lấy lý do đó để TGBC. Bộ Nội vụ trong quá trình thẩm tra đã thống nhất không TGBC với những đối tượng này. Cũng cần khẳng định rằng, việc thẩm tra của Bộ nhằm tránh thất thoát lãng phí trong quá trình TGBC. Mục tiêu của TGBC là nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, chứ không phải tạo điều kiện cho người không đúng đối tượng lại đưa vào TGBC.
Vậy theo ông, để thực hiện TGBC đúng đối tượng, cần bám sát những tiêu chí nào?
- Để thực hiện TGBC đúng, cùng với việc chỉ đưa những người không đủ sức khỏe, thuộc diện dôi dư hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện theo chính sách này, các bộ, ngành địa phương cũng có nhiều cách nâng cao chất lượng tuyển dụng. Việc tuyển dụng hay TGBC đều phải tuân thủ nguyên tắc “ra 2 vào 1”, tức chỉ tuyển vào số lượng bằng 50% tổng số người đã TGBC và người nghỉ hưu, thôi việc.
Cũng cần nói rõ, chủ trương chung của Chính phủ khi triển khai Nghị quyết 39 là trong quá trình thực hiện không tăng biên chế thì cần kết hợp rất nhiều giải pháp, mới đạt được kết quả cụ thể trong TGBC. Nếu cứ đưa ra bao nhiêu lại lấy vào bấy nhiêu thì sẽ không giải quyết được mục tiêu đặt ra. Vì vậy, bên cạnh tinh giản thì vẫn phải thực hiện giữ ổn định, cương quyết không giao bổ sung biên chế cho các cơ quan tổ chức. Hai giải pháp phải song song đồng bộ, chứ không thể bổ sung song lại tinh giản.
Ông nghĩ sao khi 5 năm tới, mỗi bộ, ngành, địa phương phải TGBC 10% nhưng riêng với lĩnh vực thuế và hải quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất là không phải tinh giản, như thế liệu có bảo đảm chỉ tiêu TGBC của Bộ Tài chính?
- Thuế và hải quan chỉ là một trong những lĩnh vực của ngành tài chính. Bên cạnh thuế, hải quan, còn rất nhiều lực lượng, tổ chức khác nằm trong tổng biên chế của Bộ Tài chính. Trong kế hoạch TGBC của mỗi bộ đều phải xây dựng tỷ lệ TGBC tối thiểu là 10%, song không có nghĩa bình quân lĩnh vực nào trong một ngành cũng phải giảm 10%.
Sẽ có người hỏi, thuế, hải quan được giữ nguyên biên chế thì có nghĩa, các lĩnh vực khác trong Bộ Tài chính phải giảm biên chế nhiều hơn, mới bảo đảm được mục tiêu TGBC tối thiểu 10% của bộ này? Tôi nghĩ, quyết định việc đó thế nào thuộc thẩm quyền điều hòa của lãnh đạo Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ không có quyền bắt buộc điều gì, mà việc quy định tối thiểu TGBC 10% là chủ trương của Đảng, đã được ban hành tại Nghị quyết 39.
Xin cảm ơn ông!
Về vấn đề kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo được đề cập trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 39, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, đó chỉ là “khuyến khích” chứ không “bắt buộc” cán bộ kiêm nhiệm, nhằm góp phần TGBC. Song, vấn đề này cũng cần được nghiên cứu để khi triển khai phải bảo đảm đầy đủ nguyên tắc, chỉ rõ trường hợp nào thì thực hiện kiêm nhiệm. Trên cơ sở kế hoạch đã được Thủ tướng ban hành, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu có hướng dẫn cụ thể, để bảo đảm được kiêm nhiệm mà vẫn đúng nguyên tắc trong những điều kiện nhất định. |
Ngày 12/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Bộ Nội vụ tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm qua dù còn nhiều khó khăn, Bộ Nội vụ đã xây dựng được nhiều đề án quan trọng, bảo đảm chất lượng, tiến độ. CCHC Nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức, cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt kết quả tích cực; đề án vị trí việc làm được xây dựng tại mọi bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ngành cần làm tốt hơn công tác xây dựng thể chế, phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện, sớm trình các đề án triển khai Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ 1/1/2016); sớm tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39 về TGBC, có hướng dẫn cụ thể và kịp thời báo cáo Thủ tướng những vướng mắc phát sinh... |