Tinh hoa trong từng thế cây

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thú chơi cây cảnh của người Hà Nội khác hẳn các vùng miền khác bởi sự cầu kỳ về thẩm mỹ, nghệ thuật và thế cây. Ấy chính là cái tinh thần, cốt cách rất riêng của người đất này” - nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội say sưa nói về thú chơi tao nhã ấy như một niềm tự hào không bao giờ vơi cạn của một tín đồ say cây thế…

Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ.
Khu bày cây cảnh trên tầng 8 ngôi nhà nép trên đường Nghi Tàm của nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ khiêm tốn thế, mà giàu có vô cùng những dáng cây, thế cây độc đáo. Những chậu cây được xếp vào hạng “độc”, đắt giá, thậm chí có những cây hàng tỷ đồng, nhìn thôi là đã hiểu phần nào công sức và sự tinh tế mà chủ nhân đã dành cho nó. Cây ổi cổ thụ thân xù xì, nhưng chi chít quả; cây cóc với bộ rễ cuồn cuộn tạo hình giống con cóc; cây duối trong dáng đứng của con rồng mềm mại; hay sanh, tùng la hán tuổi tác cả trăm năm… Dạo một vòng quanh khu “vườn treo” ấy - tên gọi của những người yêu cây dành cho góc trưng bày cây cảnh của ông Nguyễn Gia Thọ, chẳng ai muốn rời đi, nhất là trong cái tiết trời ấm áp của mùa Xuân.
Nhâm nhi tách bạc xỉu nóng hổi, thơm lừng, nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ hào hứng kể về thú chơi cây cảnh của người Hà Nội. Trước kia, mỗi cây cảnh đẹp phải đảm bảo được các yếu tố “phô thân, khoe lá, lộ căn” ứng với thiên, địa, nhân hợp nhất và hài hòa. Nghĩa là một cây cảnh quý phải có sự mạch lạc, đúng tỷ lệ trong đường chạy của thân, cành với những tán lá xanh vươn lên và bộ rễ khỏe mạnh, đầy đặn thể hiện sự vững chãi trường tồn. Cái đẹp, cái hồn hay nét tinh túy của cây được gói gọn trong khuôn thước chuẩn mực “cổ, kỳ, mỹ, văn”.

Câu chuyện về thú chơi cây cảnh tao nhã mà đầy tính nghệ thuật của người Hà Nội cứ tiếp diễn. Người nói và người nghe đều say sưa với thế giới về cây cảnh, an nhàn, tự tại. Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ kể, khoảng 3 năm trở lại đây, nghệ thuật chơi cây cảnh trở nên phóng khoáng hơn cả về chủ đề, phong cách đến loại cây. Người ta không còn bó hẹp thú chơi vào một số loại cây bản địa, truyền thống, mà gần như tất cả các loại cây từ cây lấy thân, lá, hoa, quả, củ đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Bộ tiêu chí “vàng” để đánh giá phẩm cấp cây cảnh cũng vì thế mà đổi thay, gồm 4 yếu tố “cổ, tinh, linh, quái”. “Ấy là cách chơi chú trọng vào cái chất, độc, lạ của cây cảnh và 4 tiêu chí trên đều phải đặt trong sự thống nhất chung” - ông Thọ chia sẻ.

Nói về thú chơi cây cảnh của người Hà Nội, ông Thọ cho rằng, người Hà Nội thường cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn, tạo thế cây, còn người miền Nam chơi với phong cách phóng khoáng hơn. Nhìn vào mỗi dáng cây, người sành sỏi có thể nhận ra ấy là cây cảnh của người Hà Nội. Hẳn nhiều người còn nhớ, các bậc cao niên ở Hà Nội chơi thủy tiên vào ngày Tết đạt đến trình độ lão luyện khi canh cho hoa nở đúng thời khắc Giao thừa, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Khép lại câu chuyện thi vị về thú chơi cây cảnh, người nghệ nhân với mái tóc pha sương cười hạnh phúc, bởi giờ đây không chỉ các bậc cao niên, trung niên mà rất nhiều bạn trẻ cũng hứng thú với cây cảnh.