Đối với Việt Nam, cũng đã trải qua những trận dịch kinh hoàng, trở thành nỗi ám ánh của ngành y tế cũng như người dân. Ít ai hiểu rằng, cuộc chiến chống dịch bệnh, nhân viên y tế là những người chịu nhiều hy sinh, vất vả, thầm lặng nhất.
Dịch bệnh thử thách lòng người
Hiện nay dịch “viêm phổi Vũ Hán" do chủng Covid - 19 đang bùng phát tại Trung Quốc và lây lan sang nhiều nước khác và thế giới đang nỗ lực ngăn chặn. Còn trong lịch sử, nhân loại đã từng chứng kiến những đại dịch có sức hủy diệt khủng khiếp.
Bệnh dịch hạch bùng phát năm 1629 - 1631 ở Milan (Ý) đã giết chết khoảng 280.000 người. Riêng ở Milan, dân số tại thời điểm đó là 130.000, và số người chết vì căn bệnh này trong bệnh dịch hạch lên tới 60.000, chiếm gần một nửa dân số.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư thăm hỏi, chúc mừng các bệnh nhân điều trị khỏi bệnh dịch Covid - 19. Ảnh: Phạm Hùng |
Còn ở Anh, một đại dịch khủng khiếp đã xảy ra từ năm 1665 đến năm 1666 và 750.000 đến 100.000 người đã thiệt mạng, chiếm hơn 1/5 tổng dân số của London vào thời điểm đó.
Năm 1720, một bệnh dịch hạch đã tấn công TP Marseille nước Pháp gây ra thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử TP và là một trong những bệnh dịch nghiêm trọng nhất ở Châu Âu vào đầu thế kỷ 18. Dịch bệnh này gây ra cái chết cho khoảng 100.000 người.
Cơn thịnh nộ của “con quỷ dịch hạch” xảy ra lần thứ ba tại Vân Nam – Trung Quốc (1885 - 1950) sau 30 năm ủ bệnh. Bệnh dịch không chỉ hoành hành ở Trung Quốc mà còn lan sang các châu lục khác với 60 quốc gia trong thời gian 10 năm. Chỉ tính riêng tại Ấn Độ và Trung Quốc đã có hơn 12 triệu người chết vì bệnh dịch.
Sau này, dịch cúm Tây Ban Nha (1918), cúm châu Á (1957), HIV, Ebola, Zika... Nhiều căn bệnh đến nay vẫn chưa tìm ra được phương pháp chữa trị triệt để. Những căn bệnh này đều đem lại nỗi sợ hãi cho loài người.
Gần đây, thế giới lại phải đối mặt với dịch SARS (năm 2003), và giờ đây, một lần nữa phải đối mặt với một dịch bệnh khủng khiếp khác mang tên Covid-19, khiến gần 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.000 người tử vong trên toàn thế giới.
Những dịch bệnh này khiến con người phải lựa chọn: Tồn tại hay là chết. Thế là quyết tâm sinh tử diễn ra, loài người cần tấm gương quên mình để cứu đồng loại. Trong đó, thầy thuốc ở vai trò tuyến đầu, để cứu mọi người, có khi họ phải hy sinh cả tính mạng.
Thầm lặng nơi tuyến đầu
Tại Việt Nam, gần một tháng qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh. Những chiến binh áo trắng vẫn đang ngày đêm thầm lặng, cống hiến hết mình nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương - Trung tâm Y tế kiểm dịch Quốc tế Quảng Ninh cũng như bao đồng nghiệp của mình đã mấy tuần nay căng mình với công việc, chị không có thời gian về nhà. Để bảo vệ những đứa con nhỏ, bản thân chị đã chủ động thuê một ngôi nhà khác để cách ly, sinh hoạt riêng.
“Nghề tôi đã chọn rồi thì không thể chùn bước được" - chị Phương bộc bạch. Đồng nghiệp của chị là bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương cũng chung một niềm tự hào khi có mặt ở tuyến đầu: “Mỗi nghề mỗi nghiệp, đã tiến tới thì cũng sẽ hết lòng. Thật sự bản thân tôi cảm thấy rất tự hào vì nơi địa đầu Tổ quốc này đứng ra tiên phong phòng, chống dịch. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho tất cả mọi người".
Huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) cũng là địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Các hộ dân sinh sống trên địa bàn đã chủ động, tự nguyện phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện các phương án phòng, chống dịch. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng tạm dừng việc kinh doanh để trưng dụng làm nơi theo dõi cách ly người trở về từ vùng dịch, tránh tình trạng lây lan ra cộng đồng.
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế ngày đêm phải “căng mình” nơi tuyến đầu ở các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc đang khẩn cấp ứng phó với đại dịch Covid-19. Có người làm việc thầm lặng xuyên Tết, chưa dám trở về nhà, người bị cách ly vì đã tiếp xúc với những trường hợp trở về từ vùng dịch… Tất cả đều là những tấm lòng hy sinh, tất cả vì sức khỏe người dân và cộng đồng.
Vững tin giữa tâm dịch
Còn các nhân viên y tế tại các bệnh viện (BV) điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang vất vả đêm ngày để giành lại sự sống cho những bệnh nhân. Nhìn từ các BV ở Vũ Hán, các y tá, bác sĩ đã tự tay cắt phăng mái tóc dài của mình, gương mặt chằng chịt các vết hằn do đeo khẩu trang bảo hộ, đôi tay trầy xước, sưng to do chà rửa với hóa chất... những hình ảnh ấy lột tả chân thực nhất sự hy sinh, cống hiến của họ. Nhiều người không khỏi cảm động trước tinh thần hy sinh quên mình để lao vào cuộc chiến với virus corona của những chiến binh ngành y.
Ở Việt Nam thì sao, không quay cuồng bởi sự quá tải, bởi áp lực kinh hoàng sinh - tử như ở Vũ Hán, nhưng các toàn ngành y đang dốc sức chống dịch. Các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã đối mặt với nhiều áp lực, nguy cơ.
Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư - bác sĩ Thân Mạnh Hùng đã hơn nửa tháng chưa về nhà vì mải miết cùng đồng đội chiến đấu với Covid-19. Anh nhớ lại, hồi năm 2009, dịch A/H1N1, số người nhiễm và tử vong tăng nhanh kinh khủng.
Lúc đó anh mới vào nghề được hơn 2 năm, vui vẻ xông pha điều trị cho 2 ca đầu tiên ở viện, may mắn, hai mẹ con người Mỹ khỏi bệnh. Rồi những ngày sau đó, cuộc chiến với cúm A/H1N1 tiếp diễn, y bác sĩ của BV trong guồng quay chống chọi với bệnh tật, mang lại sự sống cho người bệnh.
Giờ đây, đối mặt với Covid-19, là tác nhân mới, sự ảnh hưởng của virus này ở Vũ Hán quá lớn, số ca mắc và tử vong tăng. Anh cho biết, dù đây là lần đầu tiên tiếp cận virus này nhưng cơ chế lây bệnh, nguồn gốc, cấu trúc của nó, các bác sĩ đã cập nhật ngay khi có những bài báo chuyên ngành truyền nhiễm đầu tiên trên thế giới. Vậy nên, các anh tự tin, vững tâm giữa tâm dịch.
Nhiều y, bác sĩ đã lâu không được về nhà. Điều dưỡng Ngô Đình Tú cho biết, anh sống trong BV từ… năm ngoái đến nay và đây cũng là lần đầu tiên làm nhiệm vụ trong một đợt dịch bệnh như thế này. Điều dưỡng Nguyễn Thị Dung còn bị bạn bè, hàng xóm ở khu trọ trêu chọc, khoanh vùng thuộc diện… bị cách ly. Còn bác sĩ Nguyễn Viết Nam khẳng định, rất vững niềm tin khi làm việc ở tuyến đầu điều trị dịch bệnh.
Những ngày ở BV, ngoài việc chiến đấu với từng ca bệnh, những trở ngại mà đội ngũ thầy thuốc phải trải qua như việc mặc quần áo phòng hộ vướng víu, khó chịu trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, nhất là với người cận thị, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc.
Nhắc đến sự vất vả, hy sinh, bác sĩ Hùng nói: “Chúng tôi không gọi và không coi đó là hy sinh. Nghe to tát, nặng nề quá. Đó là sự lựa chọn của chúng tôi ngay từ khi đăng ký trường thi đại học”. Ở khoa Cấp cứu có khoảng 5 - 6 bác sĩ, điều dưỡng viên "cắm chốt" tại đây. Không ai bắt buộc họ ở lại vì nhân viên y tế đều có đồ bảo hộ đầy đủ. Nhưng họ vẫn ở lại, bởi họ có ý thức bảo vệ người thân, cộng đồng, xã hội.
Ngoài những tấm gương thầm lặng chống dịch Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, còn có những hình ảnh xúc động đoàn chuyên gia y tế hộ tống chuyến bay chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Còn đó nụ cười và bó hoa tươi thắm của các y, bác sĩ BV Chợ Rẫy, BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa khi tiễn những bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện. Và cả những nhà khoa học âm thầm tìm những hướng đi mới trong phòng thí nghiệm để giải mã virus corona.
Những thông tin này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tạo thêm niềm tin trong xã hội về nỗ lực, sự chuyên nghiệp và năng lực của ngành y trong việc khống chế dịch bệnh. Ở đó, những con người thầm lặng đã được công chúng ghi nhận, chính điều đó tiếp thêm nguồn động lực để họ tiếp tục công việc vì cộng đồng.
"Các thế hệ y, bác sĩ làm việc xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc. Những người thầy thuốc có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người. " - Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng |