Tình và lý

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa xét tặng giải thưởng nào, mùa phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nào cũng đầy những lao xao quanh chuyện hồ sơ nghệ sĩ.

Mùa xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật này cũng không đi chệch khỏi quỹ đạo quen ấy. Chỉ có điều lao xao làm người ta thấy rõ hơn những thấu đạt của tình và lý quanh giải thưởng và hồ sơ của những con người cống hiến bằng cảm hứng và sáng tạo.
Không phải ngẫu nhiên mà gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh lên tiếng bằng một dấu hỏi: “Vì sao Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016?”, để rồi công luận cùng gật đầu ủng hộ. Bởi danh tiếng và cống hiến của nữ thi sĩ ấy đã rõ như ban ngày, tác phẩm của nữ thi sĩ ấy không chỉ nằm lòng nhiều thế hệ mà còn ghi dấu trong sách giáo khoa của trẻ nhỏ. Với nhạc sĩ Thuận Yến cũng vậy, những tác phẩm của ông đã băng qua lửa đạn chiến trường để hôm nay vẫn lung linh tỏa sáng trong đời sống âm nhạc đương đại. Vậy mà cái tên được công chúng yêu mến ấy không qua được “vòng hồ sơ” để đến một giải thưởng xứng đáng với con người đã trọn một đời cống hiến cho âm nhạc nước nhà. Và danh sách ấy còn thêm những cái tên mà cống hiến của họ đều được công chúng ghi nhận. Chung quy là vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp nên hồ sơ của họ bị… loại. Nhà quản lý nghệ thuật dựa vào luật, nghị định để xét giải, nhưng luật và nghị định hình như đã bỏ qua bối cảnh mà người nghệ sĩ đã sống để làm nghệ thuật.
Lại chợt hiểu vì sao có những cái tên nghệ sĩ đương thời khi được “đính mác” danh hiệu rồi mà công chúng vẫn còn ngạc nhiên: “Nghệ sĩ nhân dân rồi á?”; có những cái tên nghệ sĩ vinh hoa trong danh sách giải thưởng rồi, mà người đời còn so sánh: Người này được mà người kia chưa được? Bởi giản đơn như nhiều người nói: Luật, quy chế, quy trình xét giải thưởng chỉ phù hợp với nghệ sĩ thời nay… Lại chợt nhớ đến những liên hoan, hội diễn nghệ thuật “đến hẹn lại lên” ở khắp các chuyên ngành, mà mỗi kỳ cuộc lại ồn ào vì những cơn mưa giải thưởng. Nói không ngoa với nhịp độ hội diễn ấy, người nghệ sĩ có khi chỉ cần nửa đời làm nghệ thuật thì hồ sơ đã thừa đẹp để đạt tiêu chuẩn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Trong khi những con người xứng đáng với việc xét giải thưởng lại là thế hệ đi trước – thế hệ đầy gian nan và cũng đầy nhiệt huyết sáng tạo, cống hiến, song hoàn toàn không có cơ hội để làm đẹp bộ hồ sơ xét giải. 
Rõ là không phải vì những bốc đồng nghệ sĩ mà những lao xao cứ rộ lên trong dư luận mỗi mùa xét giải hay phong tặng danh hiệu. Vì những thân hữu, những người quan tâm đến nền nghệ thuật nước nhà đều biết rằng, nếu còn ở trần thế, những nghệ sĩ tên tuổi kia sẽ không bao giờ lên tiếng đòi giải thưởng, đòi sự tôn vinh cho bản thân mình. Họ đã sống trong lòng công chúng nhiều thế hệ và đấy là mục đích lớn nhất của đời sáng tạo. Song hậu thế và công luận luôn luôn cần những ghi nhận đủ tình và lý để thay một lời tri ân gửi đến người nghệ sĩ đã trọn đời cho nghệ thuật nước nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần