Tâm sự với chúng tôi, PGS.TS Bích Thủy cho biết, hơn 30 năm gắn bó và làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, với bà, công việc nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm hữu ích đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hiện đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện và tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học, trên 10 công trình tiêu biểu đã được áp dụng thực tiễn ngay tại Hà Nội. Trong những công trình ấy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sơn ứng dụng như một "cái duyên" gắn với PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (áo trắng) vinh dự nhận danh hiệu “Phụ nữ Việt |
“Từ những chuyến đi thực địa, tận mắt thấy nhiều cây cầu được đưa vào sử dụng không lâu nhưng đã bị ăn mòn do dùng sơn không phù hợp điều kiện khí hậu, tôi nhận ra sơn và tuổi thọ của sơn thực sự là vấn đề nhức nhối trong những công trình của ngành GTVT” - bà Thủy chia sẻ. Sau đó, bà quyết định phát triển nghiên cứu và sản xuất sơn phục vụ các công trình giao thông. Bà và các cộng sự đã đi khắp nơi, khảo sát nhiều công trình dọc chiều dài đất nước, thực hiện hàng trăm mẫu thí nghiệm với các loại sơn ngoài thị trường để tìm ra những loại sơn "đặc chủng" cho các công trình giao thông. Càng đi sâu nghiên cứu về sơn, bà càng cảm thấy hấp dẫn. Tình yêu với những màu sơn đã giúp bà lần lượt cho ra đời hàng loạt sản phẩm sơn công nghệ cao, sơn men cho độ bóng, tăng tính trang trí và khả năng thích ứng với khí hậu khắc nghiệt. Nhờ đó, giúp kéo dài tuổi thọ công trình từ 10 - 15 năm, tương đương với những sản phẩm sơn tuổi thọ cao của các nước trên thế giới.
Nghiên cứu về sơn là lĩnh vực khó, vốn được coi là "mảnh đất riêng" của cánh mày râu và phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại, nhưng với niềm đam mê, PGS.TS Bích Thủy luôn kiên trì, nỗ lực vươn lên, bởi theo bà, chỉ cần một sai sót nhỏ, tất cả công sức sẽ trôi sông. “Để có những công trình sáng tạo, thử nghiệm lớn cho ngành GTVT, có những dự án mà tôi và các cộng sự phải thức trắng 4 đêm liền ngay tại công trình để giám sát, nghiệm thu kỹ thuật” - bà Thủy nhớ lại.
Đi dọc chiều dài đất nước, hầu như con đường, cây cầu nào cũng có đóng góp của bà, từ các cầu đường sắt Bắc - Nam, cầu Chương Dương, cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội), đến cầu treo Dùng, cầu Giăng (Nghệ An), rồi cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Bạch Hổ (Huế), cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)… Lần giở kỷ niệm sâu sắc với những cây cầu, bà Thủy kể, khoảng thời gian năm 2010 - 2012, khi đó mặt cầu Thăng Long gặp sự cố, xuất hiện những rãnh sâu, gồ ghề, ảnh hưởng đến giao thông. Vào những đợt sửa chữa, bà thường xuyên có mặt trên cầu từ 21h hôm trước đến 3h sáng hôm sau, cùng nhà thầu tìm giải pháp khắc phục hư hỏng. Đến sáng, đúng giờ làm việc, bà lại có mặt ở cơ quan với công việc chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ của giám đốc một viện chuyên ngành. “Với tôi, cảm giác khi làm việc thấy ra sản phẩm ngay cho xã hội, những sản phẩm ấy lại cần thiết cho ngành giao thông, đã tiếp thêm sức mạnh và là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu” -bà Thủy nói. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã cùng tập thể Viện Khoa học và Công nghệ GTVT từng bước trở thành một địa chỉ mạnh trong lĩnh vực sơn phủ ăn mòn, với hơn 10 công nghệ sơn tiên tiến, cạnh tranh được với sơn của các hãng nổi tiếng trên thế giới cùng hệ thống nhà xưởng sản xuất thử nghiệm công suất trên 200 tấn/năm, đem lại doanh thu đáng kể cho đơn vị.
Đến nay, dù đã bước vào tuổi "lục tuần", nhưng tình yêu và niềm say mê nghiên cứu trong PGS.TS Bích Thủy luôn căng tràn, cháy bỏng, chưa bao giờ nguôi nên bà mong có thật nhiều sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho Thủ đô và đất nước.