Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TKV “than khó” cung ứng than cho ngành điện năm 2019

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo chiều 28/11, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Hoàng Trung cho biết, năm 2019, dự kiến kế hoạch tiêu thụ than là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện là 31,90 triệu tấn.

Theo ông Trung, năm 2019, trên cơ sở năng lực sản xuất theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Ảnh minh họa
Tuy vậy, ông Trung cũng nêu rõ không ít khó khăn của TKV khi thực hiện kế hoạch năm 2019, nhất là trong nhập khẩu, pha trộn. Cụ thể, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Chẳng hạn, năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn. Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư…
Dự kiến cả năm 2018, sản lượng than tiêu thụ của TKV là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu so với thực hiện 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than).
Trước đó, trên cơ sở thực hiện năm 2017, dự báo thị trường, năng lực sản xuất và tồn kho, TKV xây dựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao. Nguyên nhân chính của sự thay đổi cung - cầu so với năm 2017 và các năm trước là do tăng trưởng điện năm 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017. Ngoài ra, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn tuỳ chủng loại. Điều này dẫn tới các hộ tiêu thụ như: Điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh.
“Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp”, ông Trung nhấn mạnh.
Về kết quả tiêu thụ than, báo cáo của TKV nêu rõ: Than tiêu thụ 11 tháng đầu qua của TKV đạt 37,39 triệu tấn, bằng 103,9 % kế hoạch (đạt 95,9 % kế hoạch điều chỉnh) và bằng 117 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thực hiện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong 11 tháng năm 2018 của TKV đạt 26,9 triệu tấn, vượt kế hoạch cả năm (103%) và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng đối với trường hợp cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, TKV thông tin thêm: Theo hợp đồng năm 2018 giữa TKV và Nhiệt điện Quảng Ninh, TKV cung cấp 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh. Đến nay, đã cấp 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Phần tăng thêm, TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bàn bạc thống nhất. Trong tháng 12/2018: TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn. Dự kiến cả năm 2018 là 2,830 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.
Ngoài ra, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những nhà máy của EVN chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than. Do đó, TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn để chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo yêu cầu. “Thời gian tới, 2 bên cần phải thống nhất ký hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho nhà máy cũng như chủ động việc bố trí sản xuất, đầu tư của TKV”, ông Trung nói.