Thông qua việc tổ chức phiên chợ, các DN bán lẻ đã nhận thấy đây là những thị trường đầy tiềm năng trong việc tiêu thụ hàng Việt.
Thị trường đầy tiềm năng
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Mặc dù là thị trường nông thôn nhưng doanh thu từ 30 phiên chợ Việt do Hapro và các DN thành viên tổ chức lên đến hơn 3 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nông thôn là thị trường rộng lớn cần được chú trọng khai thác. Đồng thời, DN nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng (NTD) đối với sản phẩm của mình, qua đó xây dựng được chiến lược kinh doanh cho sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường và yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, những phiên chợ Việt còn có tác dụng hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm, xây dựng được hệ thống đại lý tiêu thụ sản phẩm. DN tổ chức phiên chợ cũng đã được báo chí quảng bá, qua đó củng cố, nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Đa số NTD trong quá trình mua sắm hàng hóa tại các phiên chợ Việt đều có chung nhận xét: Phiên chợ đã giúp người dân không phải vào tận nội thành mua sắm. Đặc biệt, do sản phẩm bán tại phiên chợ chủ yếu là hàng Việt Nam có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nên không sợ mua phải hàng giả, nhái nhãn mác. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành công thương nên thường xuyên tổ chức những phiên chợ này để người dân có điều kiện được tiếp cận với hàng Việt, nhất là những mặt hàng bình ổn giá.
Điều đó cho thấy, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay, việc thâm nhập, phát triển thị trường nội địa là giải pháp tối ưu nhằm tăng doanh thu, hỗ trợ phát triển sản xuất, tích lũy đủ năng lực, nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và xuất khẩu sau này.
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù phiên chợ Việt đã tạo cơ hội cho DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, thế nhưng trong quá trình tổ chức cũng đã gặp không ít khó khăn. Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, số lượng DN tham gia chương trình không nhiều nên hầu hết các phiên chợ Việt vẫn do Hapro tổ chức. Bà Trương Thị Thạch - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội phân tích: Có tình trạng này là do chi phí vận chuyển hàng hóa, phục vụ việc tổ chức bán hàng tại các phiên chợ Việt khá cao nên DN thường không có lãi. Bên cạnh đó, NTD tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ với sản phẩm không có nguồn gốc, hàng nhái… do tư thương, tiểu thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông. Điều này ảnh hưởng đến quyết định tiêu thụ sản phẩm của người dân, dẫn đến doanh thu của DN tổ chức phiên chợ Việt giảm.
Thực tế cho thấy trong quá trình đưa hàng Việt tới các huyện ngoại thành, DN tham gia chương trình đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, nhái nhãn mác, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đơn cử như, lợi dụng sản phẩm bột canh Hải Châu đã chiếm được lòng tin của nhiều NTD, một số công ty TNHH tung ra thị trường sản phẩm với mẫu mã, thương hiệu tương tự như bột canh Hải Anh sản xuất tại Đông Anh. Ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng thừa nhận: Gần đây, lợi dụng việc hàng Việt Nam đã được NTD tín nhiệm nên đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để tiêu thụ.
Không chỉ có vậy, NTD khu vực ngoại thành thường có tâm lý mua những sản phẩm được DN sản xuất giảm giá, khuyến mại, thế nhưng việc liên kết giữa DN sản xuất với phân phối còn khá lỏng lẻo nên hầu như không đưa ra chương trình giảm giá cho sản phẩm đưa về ngoại thành tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ hàng Việt không cao như DN mong muốn.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Nhằm phát triển thị trường trong nước, trong năm 2016, Sở tiếp tục triển khai phiên chợ Việt, Tuần hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp. Để hỗ trợ DN khắc phục khó khăn trong quá trình tổ chức, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh triệt phá các đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, vận động DN sản xuất liên kết với DN bán lẻ, từ đó xây dựng các chương trình khuyến mại phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm tăng hiệu quả của những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn của TP trong thời gian tới.
Người dân huyện Ba Vì mua hàng Tết năm 2015. Ảnh: Hoài Nam
|